Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4; tổng kết về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; chỉ đạo trong chống buôn lậu, xử lý ô nhiễm môi trường và chính sách phát triển thủy sản… là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng trong tuần qua.

* Chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4/2015 về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhìn lại 4 tháng qua, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính,… đều có những chuyển biến và đạt những kết quả tích cực; đà phát triển là tốt; các dự báo về tình hình khá lạc quan. Tuy vậy không được chủ quan, lơ là bởi đất nước đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới trong khi tình hình diễn biến nhanh và phức tạp. Tác động thể hiện rõ nét như xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, nhập siêu tăng, du lịch khó khăn và thị trường xuất khẩu nông sản giảm sút...

Trong phiên họp Chính phủ tháng 4/2015 (ngày 25/4) Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tiếp tục
tập trung ưu tiên tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên tất cả lĩnh vực. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tiếp tục tập trung ưu tiên tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên tất cả lĩnh vực, nhất là phải rà soát kỹ để thấy xuất hiện khó khăn thì phải tìm cách xử lý, tháo gỡ kịp thời.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát tốt thị trường, không để tình trạng bong bóng bất động sản xuất hiện trở lại; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; kiểm soát tốt nhập khẩu; coi du lịch thực sự là mũi nhọn và không thể để thua quá xa Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu kinh tế, trước hết là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước với trọng tâm là cổ phần hóa cũng được Thủ tướng nhấn mạnh.

* Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TWvề xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần tập trung mạnh vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách; tiếp tục cải cách để hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực.

Thủ tướng cũng yêu cầu trong Chỉ thị có nêu rõ Bộ TN&MT chủ trì Đề án giải phóng mặt bằng, trong đó phải giải quyết được những vướng mắc đặt ra trong công tác này.

* Chống buôn lậu phải có kết quả cụ thể - là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp của BCĐ 389 quốc gia. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ phải kiên quyết loại trừ các cán bộ dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại để không còn “ổ nhóm”, đường dây bảo kê cho buôn lậu.

Các bộ, ngành chú ý quản lý đội ngũ cán bộ để tập trung “đánh mạnh” một số tuyến, địa bàn để giải quyết dứt điểm tình trạng buôn lậu. Trong đó, Bộ Công an khẩn trương thành lập Cục Chống buôn lậu để tăng thêm sức mạnh cho công tác này, đồng thời thành lập Trung tâm thông tin chống buôn lậu, thành lập chuyên mục chống buôn lậu trên Đài Truyền hình Việt Nam, chuyên mục trên các báo đài Trung ương và địa phương…

* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phải nghiêm khắc kiểm điểm, tuyệt đối không được để tái diễn vụ việc bãi thải tro xỉ gây ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống người dân. Nhà máy có những giải pháp lâu dài, căn cơ, xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.

Phó Thủ tướng nêu rõ Bộ Công Thương, EVN rà soát lại từng nhà máy, đưa ra giải pháp, chỉ đạo từng dự án về vấn đề xử lý tro xỉ này. Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Công Thương tổ chức họp chủ đầu tư tất cả các dự án nhiệt điện từ Quảng Bình trở vào Nam với các nhà máy xi măng. Nội dung là đưa ra điều kiện, tính toán công suất, bài toán kinh tế cụ thể để đảm bảo sản xuất xi măng sử dụng một tỷ lệ nhất định tro xỉ, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giải quyết bài toán tài nguyên, xử lý môi trường.

* Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 8 tháng triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm rõ nhiều vấn đề quan trọng, gỡ vướng cho chính sách và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương một số nhiệm vụ tiếp theo.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, trình Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường vốn cho hạ tầng nghề cá để hỗ trợ cho sản xuất, đánh bắt xa bờ của ngư dân, khuyến khích ngư dân đóng tàu cá xa bờ.

* Công tác tiêm chủng phải làm thường xuyên, kiên trì, liên tục đến tất cả mọi người. Nếu vì bất cứ lý do gì mà ngừng tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ tái phát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.

Chứng kiến quy trình tiêm chủng tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng lưu ý các cán bộ y tế thực hiện đầy đủ các bước từ tư vấn cho người dân, khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm chủng đến khâu theo dõi trẻ sau khi tiêm... Ngành Y tế cần nhanh chóng triển khai hệ thống thông tin dữ liệu về tiêm chủng cho trẻ ngay sau khi mới sinh để khi bố mẹ hay người nhà đưa trẻ khi đến bất cứ điểm tiêm chủng nào cũng có thể tra cứu được về tình trạng, số lần, loại vaccine mà trẻ đã tiêm…

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải chi tiết, cụ thể và sát với thực tiễn, nhu cầu của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg với tinh thần thu hẹp đối tượng được trực tiếp hỗ trợ học nghề, chỉ hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết; kiểm tra, giám sát tốt công tác này. Quyết định cần mang tính tổng hợp nhưng nêu cụ thể các chính sách, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với cơ sở và sự tiếp cận của người dân; tránh sự trùng lắp về đối tượng, chồng chéo nguồn lực trong thực hiện.

Phiên họp Chính phủ tháng 4/2015. Ảnh: VGP

* Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Công tác liên hợp (UBCTLH) giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với Quảng Tây diễn ra sôi động trong những năm gần đây. Trong đó, cơ chế UBCTLH giữa 4 tỉnh của Việt Nam với Quảng Tây đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác và tháo gỡ các vướng mắc giữa hai bên, trở thành một trong những cơ chế điển hình cho quan hệ hợp tác hiệu quả giữa các địa phương hai nước.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị lần này tập trung trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị thông qua trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc, giao lưu giữa lãnh đạo các địa phương, thúc đẩy giao lưu nhân dân để củng cố và phát huy quan hệ Việt-Trung. Hai bên nghiêm túc rà soát việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế và thỏa thuận hợp tác, đồng thời kiến nghị Chính phủ hai nước chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác. Hai bên cần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại khu vực biên giới phát triển lành mạnh, ổn định và cân bằng, tăng cường hợp tác về du lịch.

Nguồn www.chinhphu.vn