Chuyện hậu cần Chiến dịch Hồ Chí Minh: Bảo đảm quân no để đánh thắng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là giai đoạn 1973-1975, việc bảo đảm hậu cần là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định cho Đại thắng mùa Xuân 1975.

 
Đội xe thuộc đơn vị C31-D61, Binh trạm 33 trước giờ lên đường làm nhiệm vụ.
Ảnh do Đại uý-chiến sỹ lái xe Nguyễn Đình Liệu cung cấp (ảnh chụp năm 1973).

Theo Trung tướng Dương Văn Rã, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 1973), việc chuẩn bị hậu cần-kỹ thuật đã được đẩy mạnh. Để chi viện lực lượng, phương tiện và 316 tấn vật chất cho chiến trường, ngay từ đầu năm 1973-1974, Tổng cục Hậu cần đã cùng 2 đoàn cán bộ vào chiến trường, đến từng đơn vị cơ sở để nắm bắt tình hình, từ đó có các chiến lược, kế hoạch cụ thể.

Tháng 1/1974, Tổng cục Hậu cần đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác hậu cần năm 1973 và xây dựng chiến lược cho công tác này giai đoạn 1974-1975.

Với trọng tâm chuẩn bị thế trận hậu cần trên các chiến trường là “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, trong năm 1973,1974, Đoàn 559 đã mở thêm được 5.560km, đưa tổng chiều dài đường Trường Sơn lên 16.790km cùng với tuyến đường ống xăng dầu 5.000km nối liền miền Bắc với các chiến trường, vươn đến tận Nam Bộ.

Bên cạnh đó, trên tuyến Đông Trường Sơn, ta đã tổ chức 10 trạm giao liên với 10 cung vận chuyển dài 1.030km; tuyến Tây Trường Sơn có 5 trạm giao liên với 5 cung vận chuyển dài 840 km. Vì vậy, từ đầu năm 1973 đến tháng 4/1975, hậu cần chiến lược đã vận chuyển, giao cho các chiến trường 923.146 tấn vật chất và đưa vào chiến trường gần 233.000 người.

Tổng cục Hậu cần cũng đã điều chỉnh bố trí hậu cần trong các chiến trường, đồng thời gấp rút bổ sung lực lượng vật chất có sự kết hợp chặt chẽ giữa các binh đoàn, quân khu và hậu cần nhân dân nhằm đảm bảo cho 5 hướng tiến công vào sài Gòn.

Nói về vai trò hậu cần nhân dân, Đại tá Phạm Công Chững, Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, để đảm bảo vũ khí, lương thực thực phẩm cho chiến dịch, Bộ Chỉ huy Miền đã tổ chức đoàn quân nhu khu E (Bà Rịa-Long Khánh) kết hợp với địa phương vận động nhân dân tại chỗ ủng hộ và mua từ vùng địch tạm chiếm.

Nhờ nỗ lực của ngành Hậu cần Miền và nhân dân các địa phương, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của các cơ sở ở Sài Gòn-Gia Định trước khi mở chiến dịch, chúng ta đã đảm bảo đủ cho cả chiến dịch 400 tấn và dự trữ được 100 tấn lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó là lượng vũ khí cũng bảo đảm cho chiến dịch…

Chia sẻ về những kỷ niệm của những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào 40 năm về trước, Đại uý-chiến sỹ lái xe Nguyễn Đình Liệu (thuộc đơn vị C31-D61, Binh trạm 33) cho biết, trên tất cả các mặt trận khi đó, từng đoàn người, xe trùng trùng ra trận. Đội xe của các anh hầu như không ngủ để thực hiện các kế hoạch vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, quân y tới các binh trạm. Mặc dù vất vả, gian khổ nhưng tất cả những người lính như các anh đều tin rằng chúng ta sẽ giành được chiến thắng cuối cùng…

Nguồn chinhphu.vn