Người lính đến sau

(NTO) Thời gian trôi nhanh nhưng ký ức trong mỗi người lính chúng tôi về khí thế rạo rực của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mỗi dịp 30-4 lại dồn dập trở về.

Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10-3-1975), tin tức chiến thắng của quân và dân miền Nam liên tục bay đến khắp các ngõ ngách, từ đường phố tới thôn quê, miền núi hẻo lánh, ai ai cũng bàn tán chuyện ta thắng chính quyền Sài Gòn. Trên đường phố tràn ngập cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và các băng rôn “Hoan hô Buôn Ma Thuột giải phóng”, “Hoan hô Kon Tum giải phóng”… Giờ thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam tại các nơi có loa truyền thanh lúc nào cũng đông nghịt người chờ nghe tin vui “giải phóng” và những buổi tuần hành chào mừng chiến thắng, biểu diễn văn nghệ với những bài ca cách mạng diễn ra khắp mọi nơi. Miền Bắc lúc đó như ngày hội náo nhiệt nhất. Trường cấp ba nơi chúng tôi học cũng tổ chức đêm thơ, văn nghệ và khí thế hát bài “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”. Đây cũng chính là động lực đã thôi thúc chúng tôi tình nguyện “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cái khó lúc này là đứa đủ cân thì chiều cao khiêm tốn, đứa cao như cây tre lại thiếu cân, không đủ tiêu chuẩn để được nhập ngũ. Lũ học trò lắm chiêu, nhiều kế tìm cách “qua mặt” các bác sĩ khám tuyển sức khoẻ để được vào bộ đội: Đứa mặc quần áo thụng buộc gạch, cột sắt vào chân, tay sao cho đủ cân nặng. Đứa độn giày để tăng chiều cao rồi “bắt bồ” với y, bác sĩ cân, đo. Ngày chia tay lên đường, bạn bè đứa dặn dò “mày đi chiến đấu nhớ giữ cái đầu để về học tiếp đấy”, đứa nhắc “viết thư thường xuyên nhé”… và những có cả đôi mắt diễm lệ không nói nên lời của bạn gái. Sau chuyến tàu đêm, chúng tôi, binh đoàn học trò hành quân bộ chỉ khoảng 40, 50km nhưng bao tượng gạo, lương khô, quân trang… mang theo cứ rơi dần, rơi dần (mang không nổi, bỏ lại dọc đường), đến nơi tập kết, nhiều đứa chỉ còn chiếc ba lô rỗng và bộ quần áo trên người. Mới ngày đầu hành quân, cái khí thế hừng hực lúc ban đầu của các thư sinh đâu mất rồi, chỉ còn lại sự mệt mỏi. Dù vậy, ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã bước vào đợt huấn luyện cấp tốc. Cái nắng miền Trung như thiêu đốt cùng với cường độ tập luyện cao, khép kín hai mươi bốn giờ mỗi ngày mà chúng tôi gọi là “luộc quân”, rèn các cậu ấm trở thành người lính chiến trường. Nhớ lại những ngày tập luyện quân sự đầy gian khổ đó, chúng tôi mới cảm nhận được sức mạnh phi thường và khát vọng chiến đấu vì độc lập, tự do của tuổi trẻ mà nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh viết về người lính học trò “Ơi anh lính tuổi chưa đầy mười chín - Trăm trận rồi đôi má vẫn măng tơ”! Điều ấn tượng nhất không thể nào quên là hình ảnh các ông bố, bà mẹ, các anh chị (gia đình chúng tôi ở trong những ngày huấn luyện) ôm chúng tôi khóc, động viên, tặng quà dù chỉ là ký đậu phộng, nải chuối chia tay lúc chúng tôi lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Thế rồi thời khắc lịch sử vỡ oà, cả đất nước bừng sáng lên khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đất nước giải phóng, những thư sinh khoác áo lính như chúng tôi được gọi là “bộ đội nhặt lon” hay “thê đội lượm lon” (chiến lợi phẩm) nghe “tức lắm”!!! Từ lực lượng dự bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, chúng tôi chuyển qua nhận nhiệm vụ khôi phục đường sắt Thống nhất. Nhiều đứa làm đơn xin xuất ngũ bởi lẽ chúng tôi tình nguyện đi chiến đấu giải phóng miền Nam nhưng không được chấp nhận. Thế rồi tháng 10 năm 1978, chúng tôi được lệnh nhận nhiệm vụ mới. Hành quân đêm ngày bằng xe ô tô mui bịt kín, chỉ khi đến nơi tập kết, cấp trên thông báo, chúng tôi mới biết mình đang ở nước bạn và làm nhiệm vụ quốc tế. Người lính đến sau (bộ đội nhặt lon) ngày nào đã trở thành chiến sĩ thê đội trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng, thống nhất đất nước, những “người lính đến sau” xin góp thêm nét chấm phá vào bức tranh những ngày “rực lửa anh hùng” của quân và dân ta thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn mùa Xuân năm 1975.