Thủ tướng làm việc với Hội Nông dân Việt Nam

Thủ tướng mong muốn các cấp Hội Nông dân góp phần thúc đẩy các hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông sản.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hội Nông dân Việt Nam
từ Trung ương đến cơ sở đạt được thời gian qua, đã đóng góp thiết thực đối với sự phát triển chung
của đất nước. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chiều 21/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Hội Nông dân Việt Nam nhằm đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Trung ương Hội trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, sự phối hợp công tác giữa Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian qua là chặt chẽ và hiệu quả; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hội Nông dân Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đạt được, cho rằng những kết quả này là đóng góp thiết thực đối với sự phát triển chung của đất nước.

“Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của Hội Nông dân các cấp, của giai cấp nông dân trong sản xuất, phát triển kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới,…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng mong muốn, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phối phợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, như thi đua sản xuất, kinh doanh; giúp nhau thoát nghèo; thi đua trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng chính quyền;…

Nhấn mạnh nói đến nông dân là nói đến sản xuất, gắn liền với sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các cấp Hội góp phần thúc đẩy các hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất (từ giống cho tới quy trình canh tác và chế biến, bảo quản) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông sản.

Liên kết chặt chẽ trong sản xuất nhằm hình thành các chuỗi giá trị, tạo giá trị gia tăng cao. Huy động sức dân, Nhà nước và nhân dân cùng làm trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đào tạo lao động ở nông thôn, một mặt để người lao động nông nghiệp làm tốt hơn công việc đang làm, một mặt chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm việc tại khu vực công nghiệp, dịch vụ; góp phần thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cấp Hội góp phần tích cực hơn nữa trong công tác chăm lo đời sống cho người nông dân; trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền; trong giám sát việc chấp hành, thực hiện chính sách, phản biện chính sách, có các kiến nghị cụ thể để chính sách đi vào cuộc sống tốt hơn;…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Hội Nông dân Việt Nam liên quan đến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển hạ tầng các hợp tác xã nông, lâm, ngư và diêm nghiệp; bố trí nguồn lực để Hội Nông dân Việt Nam nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng hệ thống kho chứa bảo quản nông sản đủ lớn ở các vùng chuyên canh do Nhà nước quản lý;…

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường (thứ hai từ trái sang) báo cáo
với Thủ tướng tại buổi làm việc. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng, những chính sách của Chính phủ ban hành thời gian qua đã đi nhanh vào cuộc sống, động viên đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân; tạo cơ chế chính sách, nguồn lực và điều kiện để các cấp Hội trực tiếp tham gia các hoạt động hỗ trợ người nông dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho hội viên, nông dân.

Cụ thể, triển khai thực hiện Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020 và Thông báo 129 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Trung ương Hội năm 2012, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai các hoạt động nhằm tạo nguồn lực để các cấp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Sau hơn 3 năm thực hiện, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương được cấp bổ sung 400 tỷ đồng và 49 tỉnh, thành Hội được cấp bổ sung hơn 570 tỷ đồng.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng mạnh góp phần để các cấp Hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Hiện tại, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp cho hơn 111.300 hộ vay vốn xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phầm; các cấp Hội cũng đã tổ chức vận động trên 10 triệu hội viên, nông dân tham gia học nghề, phối hợp và trực tiếp dạy nghề cho hơn 1 triệu người; đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn của Hội, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa, lôi cuốn, khích lệ hội viên, nông dân tích cực tham gia. Hằng năm có 8,2 triệu hộ đăng ký phấn đấu trong đó có 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới cũng đã khẳng định vai trò chủ thể của nông dân. Hội viên nông dân đã hiến gần 7,8 triệu m2 đất và đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, trên 40 triệu ngày công làm mới và sửa chữa gần 350.000 km đường giao thông nông thôn, 200.000 km kênh mương nội đồng và hàng nghìn nhà văn hóa…

Tuy nhiên, nông dân vẫn còn nhiều băn khoăn, bức xúc khi một số chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thực sự đi vào cuộc sống và chưa mang lại lợi ích thiết thực như vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với nhu cầu; việc liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn rời rạc, chưa chặt chẽ; tái cơ cấu nông nghiệp triển khai chậm; một bộ phận nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, ỷ lại vào các chủ chương chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát tốt;…

Nguồn www.chinhphu.vn