Phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao

(NTO) Sau 40 năm giải phóng, kinh tế tỉnh ta đạt nhiều thành tựu to lớn, nổi lên là sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc.

Tuy nhiên, bước phát triển mang tính “đột phá” bắt đầu từ khi tái lập tỉnh (năm 1992). Tách ra từ tỉnh Thuận Hải cũ, cơ sở vật chất nghèo nàn, bấy giờ, tỉnh ta xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực. Trong điều kiện khí hậu khô hạn quanh năm, để phát triển sản xuất, tỉnh xác định tập trung xây dựng các công trình thủy lợi. Từ năm 1992 đến nay, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, vốn ODA, tỉnh ta đã xây dựng 23 hồ thủy lợi, 65 đập dâng lớn, nhỏ; trong đó, có những công trình thủy lợi lớn như hồ Sông Sắt, hồ Sông Trâu. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 8 hồ chứa, năng lực tưới tăng thêm 66,55 triệu m3, đưa tổng dung tích thiết kế các hồ trên địa bàn đạt 212,7 triệu m3.

 
Mô hình sản xuất lúa cao sản triển khai ở huyện Ninh Phước.

Thủy lợi phát triển, tạo thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Trên những vùng đất bạc màu đã xuất nhiều mô hình mang lại thu nhập cao. Trước đây, nông dân Bác Ái thường thiếu đói vào ngày giáp hạt nhưng từ khi đưa vào sử dụng công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, hồ Trà Co, hàng ngàn ha đất sản xuất kém hiệu quả ở xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Thắng… đã được phủ xanh bởi các mô hình bắp lai, lúa nước, mỳ cao sản, mía, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của huyện hằng năm đạt hơn 10.750 ha, tăng 2.000 ha so với năm 2010; năng suất lúa, bắp tăng dần từ 3 tấn lên 5 tấn/ha. Từ một huyện có nền nông nghiệp lạc hậu, Bác Ái đã trở thành một trong những địa bàn trọng điểm trồng cây công nghiệp phục vụ chế biến.

Giai đoạn 2011-2015 đánh dấu ngành Nông nghiệp có những bức phá, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng giá trị cây ăn quả, cây công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng bình quân 9,4%/năm. Sản xuất lương thực đạt cả về năng suất và sản lượng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Hình thành được các vùng sản xuất tập trung những loại cây trồng chính như: cây lúa, táo, nho ở huyện Ninh Phước; mía, mỳ ở huyện Ninh Sơn… Riêng lĩnh vực chăn nuôi, đáng kể nhất ở giai đoạn này là xuất hiện nhiều trang trại đầu tư theo phương thức công nghiệp. Chất lượng đàn gia súc được cải thiện với việc tuyển, nhập một số giống mới, áp dụng các dịch vụ kỹ thuật về thú y, chuồng trại, thức ăn tinh trong chăn nuôi. Hiện nay, tỷ lệ bò lai đạt khoảng 40%; tỷ lệ dê, cừu được tạo giống mới đạt gần 80%; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân mỗi năm 2,16%/năm, chiếm tỷ trọng 29,5% trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Kết quả trên đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống của nhân dân vùng nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước xu thế hội nhập hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với sản xuất nông nghiệp. Để tiếp tục phát triển nông nghiệp trong tỉnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, ngành triển khai sâu rộng tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới.