Cần “đầu ra” cho sản phẩm nho VietGap

(NTO) Với mục tiêu giúp các hộ trồng nho thay đổi phương thức canh tác an toàn, hiệu quả, nâng cao năng suất và giá trị, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân, năm 2013, mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai, với sự tham gia của 25 hộ dân (chia thành 6 nhóm) ở thôn Nho Lâm (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam).

Tham gia mô hình, các hộ nông dân thành viên được tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng nho an toàn, hỗ trợ giống nho gốc ghép Couclerc 1613 và giống nho đỏ Redcardinal, hướng dẫn về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn và quy trình kiểm định sản phẩm trước khi thu hoạch.

Nông dân thôn Nho Lâm trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap.

Ông Nguyễn Chí Hùng, Trưởng nhóm 3 trồng nho sạch cho biết: “Mặc dù, quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap rất nghiêm ngặt, nhưng qua vụ sản xuất đầu tiên cho thấy quy trình trồng nho VietGap này không khó làm. Theo đó, nhiều hộ trồng nho trong thôn cũng đang học hỏi cách làm này. Trong quá trình tham gia, các thành viên được hướng dẫn về thực hiện ghi chép cho từng thời điểm như: bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Qua đó, giúp cho nông dân hình thành được quy trình sản xuất ở tất cả các khâu, từ chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch theo 4 tiêu chuẩn: kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường và truy nguyên nguồn gốc. Như vậy, trái nho khi đưa đi tiêu thụ sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng hơn”.

Qua các vụ sản xuất cho thấy, hầu hết các hộ đã áp dụng đúng quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap và đạt hiệu quả kinh tế cao. Bởi tiết kiệm được chi phí, hạn chế việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thân thiện với môi trường, cây nho cũng ít sâu bệnh hơn và nho đạt năng suất cao. Anh Nguyễn Văn Điệp, một hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Hiện 2 sào nho của gia đình đang được áp dụng theo mô hình VietGap cho hiệu quả hơn nhiều, chất lượng trái to và nặng hơn, năng suất đạt khoảng 2 tấn/sào, tăng 20% so với cách trồng nho truyền thống. Tuy nhiên, hiện tại, các hộ tham gia mô hình này vẫn chưa được kết nối với các đầu mối thu mua nho sạch, mà tự bán sản phẩm thông qua thương lái trên địa bàn, với giá ngang bằng với giá nho ngoài mô hình, tùy kích cỡ và mẫu mã. Chính điều này đã làm ảnh hưởng lợi nhuận của các hộ làm nho theo tiêu chuẩn VietGap.

Ông Thiên Sanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam cho biết: Để gỡ khó cho bà con, địa phương đang phối hợp với các cấp, ngành tìm doanh nghiệp thu mua sản phẩm nhằm ổn định đầu ra, để nông dân gắn bó với mô hình nho VietGap nêu trên.