CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!

Gặp nhau sau gần nửa tháng đón mừng xuân mới, lẽ ra phải là nụ cười “thường trực” vốn có nhưng ngược lại anh bạn tôi mặt mày “bí xị” như... mất sổ gạo thời còn bao cấp không bằng!. - Có việc gì mà xem bộ dạng ông... nghiêm trọng quá vậy?. Tôi hỏi thăm dò. Như chọc đúng “chỗ ngứa” ông bạn tôi liền tuôn ra một mạch: - Tôi xém từ cõi “ta bà” trở về đấy!. Còn ông muốn biết nguyên nhân chứ gì!. Chẳng phải tai nạn giao thông hay bệnh tật gì cả mà là do... vướng phải dây điện vào cổ khi đang đi trên đường. Chuyện là thế này, lúc chiều từ nhà đi không thấy gì, nhưng đến tối khi về gần tới nhà thì dây điện thoại kéo chằng chịt trên đầu bị đứt lòng thòng xuống đường va ngay vào cổ suýt bị siết cổ, té xe. Đúng là “họa vô đơn chí”, may mà tôi không uống ly nào, chứ nếu như mọi hôm bạn thương chúc quá nhiều ly bia, rượu thì có lẽ không còn gặp mấy ông được nữa!.

Nghe chuyện ông bạn mà tôi thấy giật mình và cũng từng vài lần bị va vào dây điện thoại “tự nhiên” rơi chẳng khác nào treo dây thòng lọng giữa đường. Điều đáng nói là dây nhợ kéo như mạng nhện này không rõ là của “hãng” viễn thông nào, đáng trách hơn là đội quân kỹ thuật kéo dây này chẳng cần biết đến an toàn hay không. Dây điện thoại, cáp quang dành cho internet kéo băng ngang, băng dọc qua dây điện, thậm chí là dây điện trần, băng qua nhà dân mà chẳng cần hỏi là người ta có đồng ý hay không, nơi có trụ thì còn treo cao, nơi không trụ thì kéo sà sà mặt đất và đây chính là những cái bẫy chết người như chơi, như trường hợp vướng phải của ông bạn tôi kể trên.

Làm sao chấm dứt tình trạng các nhà mạng kéo dây nhợ lung tung này?. Anh bạn tôi hỏi. Tôi nửa đùa, nửa thật: - Lẽ ra ông phải hỏi là ai quản mấy ông nhà mạng để từ đó mới tìm ra chủ nhân đích thực của “mạng nhện” dây này mà xử lý!. Anh bạn tôi cũng không vừa: - Thì có hỏi mới có câu trả lời. Còn việc chấm dứt hay lập lại trật tự bằng việc xử phạt, cắt các dây kéo không đúng kỹ thuật, không bảo đảm mỹ quan, an toàn... thì phải nhờ đến cơ quan quản lý nhà nước. Để làm được điều này thì cơ quan chức năng cần phải đi kiểm tra thường xuyên thì mới phát hiện được. Theo tôi, tốt nhất là tự xử, cắt phăng những dây nhợ lòng thòng để rơi vào nhà mạng nào thì nhà mạng đó biết mà đến kéo dây lại đàng hoàng...

Nghe ông bạn tôi quyết liệt quá mà thấy lo vì không khéo vi phạm luật như chơi nhưng nếu các nhà mạng không làm ăn đàng hoàng, cẩu thả để xảy ra hậu quả, thậm chí là dẫn đến chết người thì đến lúc này có khắc phục thì cũng đã quá muộn. Người xưa có câu: “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”, xem ra các nhà mạng viễn thông cũng như cơ quan quản lý cần lưu ý để sớm khắc phục.