Vấn đề hôm nay:

Để Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả! “Mùa xuân là Tết trồng cây Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

(NTO) Cách đây gần 56 năm, ngày 28 tháng 11 năm 1959, Bác Hồ đã viết bài “Tết Trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân. Sau khi phân tích sâu sắc ý nghĩa của việc trồng cây đối với đất nước, với mỗi gia đình, mỗi người dân, Bác kêu gọi toàn dân tham gia Tết Trồng cây.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và làm theo Bác, 56 năm qua, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhân dân cả nước lại tưng bừng vào ngày hội “Trồng cây nhớ ơn Bác”, qua đó ngày càng trồng thêm được nhiều cây xanh, bảo vệ, chăm sóc cây tốt làm cho đất nước thêm xanh, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường. Cũng từ đó, “Tết trồng cây” đã tạo nên một nét xuân độc đáo, một phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân ta.

Cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Hải trồng cây gây bóng mát khu dân cư. Ảnh: Anh Tùng

Đối với tỉnh ta, một trong những tỉnh khô hạn nhất nước, thường xuyên “thiếu mưa, thừa nắng” thì việc hưởng ứng lời Bác Hồ dạy, trồng rừng, trồng cây tạo mảng xanh lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Những năm qua tỉnh ta đã duy trì tốt việc phát động “Tết trồng cây” vào độ rằm tháng giêng âm lịch hàng năm và đã được nhân dân nhiều địa phương tích cực hưởng ứng thực hiện.

Hàng chục ngàn cây xanh được trồng và chăm sóc tại các tuyến đường nhất là trung tâm các thị trấn, thị tứ và đặc biệt là thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã góp phần tạo thêm nhiều mảng xanh, tăng thêm “cường lực” cho “lá phổi” sự sống, thanh lọc khói bụi làm cho môi trường sống được trong lành hơn. Theo thống kê trong năm 2014 tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đã đạt 44,2%, tăng 2% so với năm trước đó. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong công tác trồng và bảo vệ vốn rừng, tăng số cây xanh qua các năm phát động “Tết trồng cây”.

Năm 2015 này, mục tiêu đặt ra là nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 45%. Để thực hiện đạt chỉ số này yêu cầu đặt ra là cần chuyển từ phong trào hành động thực tiễn, đó là gắn việc trồng với chăm sóc, bảo vệ nhất là cây trồng phân tán tại các trục đường, các khu dân cư. Đặt ra vấn đề này bởi một số địa phương chưa thật chú trọng đến khâu chăm sóc. Cây trồng xong không được rào bảo vệ và cũng không được giao cụ thể cho ai quản lý nên xảy ra tình trạng trẻ em và cả người lớn “buồn tay” bẻ ngọn, vặt lá; một số nơi do đàn gia súc phát triển, nuôi thả rong nên cũng là “tác nhân” làm cho cây trồng trụi lá, chết dần hoặc không phát triển. Việc chọn cây trồng cũng cần được quan tâm. Trồng rừng thì đã theo quy cũ, riêng trồng cây trong công viên, khu dân cư, các tuyến đường để tạo mảng xanh... cần chọn giống cây thích hợp với khí hậu đặc thù địa phương đồng thời tạo nét riêng cho từng tuyến đường lại có tác dụng thanh lọc môi trường. Nếu không sẽ phản tác dụng, vừa tốn công lại tốn của.

Theo kinh nghiệm, một số địa phương đã gắn việc trồng cây với từng tổ chức đoàn thể để chăm sóc và xem đây là một trong các tiêu chí thi đua hoặc động viên các hộ dân nhận chăm sóc, bảo vệ cây xanh tại các tuyến đường dân cư. Ngành chức năng cũng cần có chế tài xử lý và buộc khắc phục nếu có hành vi hủy hoạt cây trồng...

Thiết nghĩ, để “Tết trồng cây” thực sự đúng theo ý nghĩa mà Bác Hồ kính yêu đã dạy các ngành, địa phương cần chú trọng trồng cây nào sống cây đó bằng các giải pháp hiệu quả. Qua đó góp phần tăng thêm màu xanh và sự sống trong lành cho tỉnh vốn giàu “nắng gió”này.