Ngày, tháng và quan niệm của người Chăm về thời gian cưới hỏi

(NTO) Một tuần lễ Chăm có 7 ngày, bắt đầu từ ngày Chủ nhật.

Một năm cũng có 12 tháng, được gọi bằng số; riêng tháng 11 người Chăm gọi là Pì-làn púi, tháng 12 có tên là pì-làn mác. Từ ngày đầu tháng đến trước ngày rằm, người Chăm gọi là pì-ngùn. Qua rằm đến trước cuối tháng, gọi là klăm. Rằm là pô-ra-mi. Ngày cuối tháng người Chăm gọi là ha-rây ia pì-làn a-píh (ngày hết trăng).

Trên đường họ nhà trai đưa chú rể về nhà gái.

Trong 12 tháng, có 6 tháng thiếu (pì-làn u ) là các tháng 2, 4, 6, 8, 10, 12 chỉ có 29 ngày và thường “gối” vào ngày thượng tuần trăng (gwơr ha-rây tì pì-ngùn). Ngày 6 chuyển thành ngày 7 (năm chjiờng ta-chjúh). Cụ Thiên Sanh Cảnh cho rằng, sở dĩ chuyển ngày 6 thành ngày 7 bởi vì nét chữ số 6 với nét chữ số 7 Chăm gần giống nhau. Người ta chỉ cần thêm dưới chữ số 6 dấu âm (ta-kai đắk) sẽ thành nét chữ số 7, còn các số còn lại, nét đều khác nhau . Sáu tháng còn lại (tháng lẻ) là tháng đủ (pì-làn ta-pắk) có 30 ngày. Theo lịch Chăm, cứ 3 năm có 1 tháng nhuận, gọi là tháng kran. Thun kran có 13 tháng, tháng thứ 13 gọi là pì-làn phàng hoặc pì-làn pì-rầu luôn luôn có 29 ngày.

Trong sinh hoạt của người Chăm, việc tính ngày, chọn tháng rất hệ trọng. Một số lễ hội được quy định khá chặt chẽ.

Ví dụ: Ka-tê tì pì-ngùn / Cha-bur tì klăm

(Katê vào thượng tuần trăng / Chabur vào hạ tuần trăng)

Hoặc cứ vào tháng Giêng Chăm, các xóm làng người Chăm đều tổ chức lễ Rija Nưgar (lễ cúng đầu năm) bao giờ cũng nhập lễ vào ngày thứ Năm và kết lễ vào ngày thứ Sáu ở thượng tuần trăng (Ta-mư tì chjíp, ta-piặk tì xúc). Riêng đám cưới người Chăm, lễ chính thức luôn được tổ chức vào buổi chiều ngày thứ Tư hạ tuần trăng, sau rằm vào các ngày chẵn (2, 4, 6… klăm) và ở các tháng cố định 3, 6, 10, 11 và kể cả tháng 8, dù nó không được coi là tháng tốt.

Lý giải tại sao người Chăm lại chọn thời gian để tổ chức lễ cưới cố định như vậy, theo Jaya Panrang (Ước Vọng số 1, Ninh Thuận 1968), căn cứ vào lịch Chăm cho rằng: Buổi chiều thuộc về Âm, tượng trưng cho tuổi về già, sống với nhau lâu dài. Thứ Tư thuận về đất nẻ, một thứ đất màu mỡ, dùng để trồng tỉa, hoa màu dễ phát sinh, cầu chúc cho hai người sống với nhau sinh con đẻ cháu đầy đàn. Thứ Tư còn là ngày âm- dương gặp nhau, vì người Chăm quan niệm rằng, ngày thứ Tư có thể ví như lỗ rốn của con người; từ đầu đến rốn có 3 phần: Đầu, cổ và ngực tượng trưng cho ngày Chủ Nhật, thứ Hai và thứ Ba; từ rốn đến bàn chân có bụng, háng và bắp chân tượng trưng cho ngày thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Người Chăm còn quan niệm rằng: Từ lỗ rốn lên đầu đối với người chồng có thiên chức như người cha, đối với người vợ có thiên chức của người mẹ, còn từ rốn trở xuống đến bàn chân người đàn ông mới hẳn là người chồng và người đàn bà mới hẳn là người vợ.

Còn việc chọn tháng để tổ chức đám cưới, theo quan niệm người Chăm, tháng 3 thuận về lúa gạo; tháng 6 thuận về tài sản được tập trung; tháng 8 thuận về tội lỗi, tháng này trước đây ít người chọn; tháng 10 thuận về của cải; tháng 11 thuận về hưng thịnh (A-ri-da Khík tui chjà-làn a-tặch của Jaya Pal Riya, bản viết tay, 2006, lưu hành nội bộ). Ngoài những tháng đó ra, người Chăm không tổ chức đám cưới vào các tháng khác.

Thời gian gần đây, vấn đề chọn “ngày lành tháng tốt” để tổ chức việc cưới hỏi trong cộng đồng người Chăm đã có vài sự thay đổi. Phần lớn họ vẫn còn giữ các tháng (3, 6, 8, 10, 11 theo Chăm lịch) nhưng ngày càng nhiều đám cưới tổ chức vào các ngày thứ Tư ngay trong thượng tuần trăng của các tháng đó. Đây là một việc làm thể hiện có sự thay đổi về mặt quan niệm. Và rồi trong tương lai liệu chừng các tháng cưới như hiện nay có còn tồn tại với người Chăm, khi cũng đã xuất hiện một vài đám cưới tổ chức ngay trong tháng 2- tháng thuận về “tội lỗi” (Pinhưk danuh khak), tháng 9 theo Chăm lịch - tháng thuận về “gây hấn” (Pinhưk mưthao) theo quan niệm của người Chăm!