Chi bộ Đảng Cộng sản ra đời, bước ngoặt quan trọng của cách mạng Ninh Thuận

(NTO) Cách đây 85 năm, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Kể từ đây, phong trào cách mạng được sự khởi xướng và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở Ninh Thuận, vào tháng 4-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Cầu Bảo và Chi bộ Đề-pô xe lửa Tháp Chàm cũng được thành lập. Đây là sự kiện quan trọng hàng đầu trong lịch sử Đảng bộ Ninh Thuận.

Từ rất sớm, trên địa bàn Ninh Thuận đã diễn ra các cuộc đấu tranh của Mai Xuân Thưởng, tướng Lành (Phan Lành), và các phong trào đấu tranh của nhân dân La Chữ, Thái Giao, Bình Chữ, Như Ngọc... Những phong trào đấu tranh đã có tiếng vang rất lớn, gây nhiều khó khăn đối với thực dân Pháp, nhưng tất cả đều thất bại vì thiếu một lý luận cách mạng tiên tiến, thiếu sự tổ chức đấu tranh khoa học. Chính trong hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đáp ứng được yêu cầu này.

Đề-pô xe lửa Tháp Chàm, nơi thành lập Chi bộ Đảng Tân Việt năm 1929
và Chi bộ Đảng Cộng sản 4-1930.Ảnh: TL

Hòa chung tiến trình cách mạng Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương có phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi nhất ở cực Nam Trung Bộ. Là địa phương thành lập Chi bộ Đảng Tân Việt (12-1928) và Chi bộ Đảng Cộng sản (4-1930) sớm nhất ở cực Nam Trung Bộ. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là địa phương giành chính quyền sớm thứ ba so với các tỉnh phía Nam (21-8-1945); trong chín năm trường kỳ kháng chiến, Ninh Thuận gặp rất nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ Ninh Thuận đã kịp thời khắc phục khó khăn, gian khổ và lãnh đạo nhân dân chống trả sự trở lại xâm lược của thực dân Pháp.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), Đế quốc Mỹ âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Ninh Thuận bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Quân và dân Ninh Thuận đã cùng với toàn miền Nam đứng lên đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hiệp thương Tổng tuyển cử. Đặc biệt, Ninh Thuận là địa phương có phong trào nổi dậy phá ách kìm kẹp sớm nhất ở miền Nam (trước khởi nghĩa Trà Bồng, Quảng Ngãi và Đồng Khởi, Bến Tre).

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân Ninh Thuận đã phối hợp với các đội quân chủ lực đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch (cái gọi là Lá chắn thép Phan Rang), giải phóng quê hương Ninh Thuận (16-4-1975), góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi quê hương được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt 85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Ninh Thuận, trải qua các giai đoạn lịch sử: Kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận đã không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh và giàu đẹp.

Với những thành tựu đạt được trong 85 năm qua, chúng ta có thể khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và Đảng bộ Ninh Thuận nói riêng là nhân tố quyết định đến mọi thành công của cách mạng tỉnh nhà. Và sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Ninh Thuận (4-1930), là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình cách mạng tỉnh nhà.

Đại tá Huỳnh Công Năng,
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh:

Đối với LLVT tỉnh, kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam hàng năm là dịp để cán bộ, chiến sĩ ôn lại quá trình Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và lãnh đạo đất nước đổi mới và phát triển. Kế thừa thành quả ấy, Đảng bộ Quân sự tỉnh luôn xác định xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện là nhiệm vụ tiên quyết và lâu dài. Trong thời gian tới, Đảng ủy sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục có hiệu quả một số thiếu sót, khuyết điểm, từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác Đảng, công tác chính trị, tăng cường công tác giáo dục chính trị-tư tưởng cho bộ đội, xây dựng bản lĩnh, lập trường, quan điểm vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, tập trung làm tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; công tác giáo dục quốc phòng-an ninh; xây dựng LLVT địa phương và thực hiện công tác động viên, tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ; kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường củng cố QP-AN và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc.

Ông Lê Xuân Thân,
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh:

Cách đây gần 44 năm, vào ngày 13-3-1971, tại khu rừng của huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 3 tuổi quân và gần 21 tuổi đời. Cảm xúc tự hào, thiêng liêng khi đứng dưới lá cờ Đảng, đọc lời tuyên thệ dường như vẫn còn nguyên vẹn và theo tôi trong suốt chặng đường hơn 40 năm qua. Với tôi, được rèn luyện, tu dưỡng và thể hiện trách nhiệm của đảng viên là mục tiêu, lý tưởng, là lẽ sống của cuộc đời mình. Niềm tự hào của người đảng viên cũng trở thành động lực thôi thúc bản thân không ngừng phấn đấu, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, tích cực trong học tập, đi đầu trong mọi công tác. Dù được phân công qua nhiều nhiệm vụ, vị trí công tác khác nhau nhưng với niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao của người đảng viên, tôi đều nỗ lực hoàn thành xuất sắc. Tôi hy vọng rằng, thế hệ đảng viên trẻ hôm nay sẽ ra sức học tập và rèn luyện, xứng đáng là thế hệ kế cận, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Bảy,
47 tuổi Đảng (khu phố Khánh Sơn 1, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải):

Năm nay tôi đã 77 tuổi, nhưng vẫn không quên những ngày tháng được các anh, các chị dìu dắt đi làm cách mạng. Từ lúc vừa ẵm em vừa canh chừng cho cơ sở họp, đến trao gửi thư từ liên lạc của người trên núi về. Một kỷ niệm mà tôi nhớ như in đó là lúc bấy giờ nhà nghèo, ba má cho tôi đi ở ẵm em trong một gia đình ở địa phương. Sau đó họ chuyển lên Đà Lạt rồi xuống Sài Gòn, tôi cũng theo về đó. Một lần đi chợ qua cầu Công Lý, tôi thấy có lính bắt người thanh niên, theo sau là một đám đông sinh viên hô hào đòi thả người bị bắt. Tôi nghe họ gọi tên anh là Nguyễn Văn Trỗi và những điều anh nói với đám đông lúc đó đã tác động rất nhiều lên nhận thức của tôi. Từ đó tôi xin nghỉ, trở về quê và chính thức làm liên lạc cho cách mạng, đến năm 1967 thì tôi được kết nạp vào Đảng. Chứng kiến sự thay đổi của quê hương, đất nước, tôi thấy tự hào vì có Đảng lãnh đạo, dẫn đường, chỉ lối.

Trong ngày vui kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, tôi mong muốn Đảng tiếp tục lãnh đạo đưa đất nước phát triển toàn diện, đưa dân tộc Việt Nam sánh ngang với các cường quốc trên thế giới như lời Bác Hồ đã dặn dò. Để làm được điều đó, Đảng cần chú trọng công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có phẩm chất, đạo đức trong sáng, có năng lực, trí tuệ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của địa phương.

NHÓM PV (thực hiện)

Nguyễn Lê Ngọc Diệu
đảng viên Chi bộ Quân sự xã Phước Hải (Ninh Phước)

Với tôi, ngày 2-9-2002 mãi là dấu ấn quan trọng của cuộc đời, đó là ngày tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ngay từ khi là học sinh THPT, qua những bài học lịch sử của thầy, cô giáo, tôi đã mong muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng. Càng tự hào hơn vì tôi được kết nạp Đảng khi đang là chiến sỹ trẻ vừa tròn 21 tuổi, đang tham gia huấn luyện, phục vụ trong quân đội tại Đồn Biên phòng 404- Vĩnh Hy. Đứng vào hàng ngũ của Đảng giúp bản thân tôi trưởng thành, chính chắn hơn, đồng thời cũng xác định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của đảng viên là “người đầy tớ của nhân dân” hết lòng, hết sức, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hiểu rõ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản thân tôi không ngừng nỗ lực, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị; ra sức học tập để nâng cao trình độ. Từ khi xuất ngũ trở về địa phương nhận công tác, dù ở vị trí nào tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt. Tôi tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương, vận động đoàn viên, thanh niên xung kích, giữ gìn an ninh trật tự; hăng hái lao động sản xuất phát triển kinh tế góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.