Thế giới trong tuần

1. Đúng như dự đoán của giới phân tích, đảng cánh tả Syriza đã “hạ” đối thủ của mình là đảng Dân chủ mới tại cuộc Tổng tuyển cử ở Hy Lạp, với 36,3% số phiếu ủng hộ. Thủ tướng sắp mãn nhiệm đã thừa nhận thất bại và chúc mừng chiến thắng của nhà lãnh đạo cánh tả 40 tuổi-có quan điểm chống chính sách ‘thắt lưng buộc bụng”.

Kết quả bầu cử tại Hy Lạp dấy lên mối lo “cơn địa chấn” mới xảy ra với Châu Âu, đã lập tức tác động đến thị trường tài chính toàn cầu. Khu vực đồng tiền chung Châu Âu-Eurozone lung lay không là nguy cơ xa. Khi đảng Syriza thực hiện cam kết tranh cử là ngay lập tức đàm phán lại với các chủ nợ, đòi xóa nợ một phần và làm dịu các điều kiện cứu trợ. Một khi yêu sách không được đáp ứng, “mắc xích yếu Hy Lạp” sẽ rời nguồn quay Eurozone, đe dọa phá vỡ liên minh tiền tệ mà Châu Âu luôn tự hào.

Lãnh đạo Syriza tuyên bố, kể từ ngày 26-1, Hy Lạp ngừng chính sách thắt lưng buộc bụng mà đất nước thi hành 5 năm qua, theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế, để đổi lấy Chương trình cứu trợ kinh tế. Đồng thời, Hy Lạp sẽ đưa ra kế hoạch cải cách, đầu tư và khôi phục kinh tế của riêng mình, mà không dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước. Trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng ở Eurozone thì cuối năm 2009 đến nay, Hy Lạp luôn nằm ở “tâm bão”.

Thực tế này đang đòi hỏi EU phải đẩy mạnh cải cách, đổi mới để giữ gìn “mái nhà chung” và đưa khối này tiếp tục tiến lên phía trước.

2. Tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang. Các nhà lãnh đạo liên minh Châu Âu (EU) đã yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên xem xét áp đặt thêm các biện phap trừng phạt mới nhằm vào Nga tại cuộc họp tại Brussels (Bỉ) hôm 29-1. Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phản đối việc EU đe dọa gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, động thái được cho sẽ gây thêm sự chia rẽ trong EU. Đại diện Tổ chức Hợp tác an ninh Châu Âu (OSCE) kêu gọi Nga đóng cửa biên giới với Ukraine, nhằm kiềm chế bạo lực leo thang trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới cần phải xem xét, để không ảnh hưởng đến việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân. Cảnh báo về nguy cơ mở rộng xung đột, OSCE kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở miền Đông Ukraine và thực hiện đầy đủ thỏa thuận Mink.

Trong khi đó, cơ hội tìm kiếm hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine đã rơi vào ngõ cụt khi Quốc hội Ukraine bỏ phiếu xác định các nước Cộng hòa tự xưng ở miền Đông là “các tổ chức khủng bố” và từ chối đàm phán với Nga.

Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga chỉ trích quyết định của tổ chức S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Nga từ BBB- xuống BB+ là việc làm mang động cơ chính trị và có sự chỉ đạo trực tiếp của Mỹ. Mat-xcơ-va đang phải đối phó với nhiều âm mưu phá hoại nền kinh tế Nga, một phần trong cuộc chiến trừng phạt mà Mỹ và phương Tây công bố nhằm chống lại Nga.

3. Chuyến thăm chưa đầy 3 ngày tại Ấn Độ của Tổng thống Mỹ B.Obama đã khơi thông dòng chảy hợp tác kinh tế, thương mại nhiều tiềm năng, song lâu nay bị ách tắc do những trở ngại từ cả 2 phía. Thủ tướng chủ nhà N.Modi và Tổng thống Mỹ B.Obama đã thảo luận sâu rộng và cụ thể hàng loạt vấn đề hai cường quốc quan tâm.

Trên bình diện đa phương, đó là cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu… ngoài các văn kiện quan trọng: Tuyên bố New Deli về quan hệ hữu nghị Ấn Độ-Mỹ, Tuyên bố tầm nhìn chiến lược Ấn Độ-Mỹ về Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và Tuyên bố chung, hai nước cũng đạt nhiều thỏa thuận trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh, chống biến đổi khí hậu…

Liên quan tình hình biển Đông, tuyên bố chung cho biết, hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Mỹ cam kết ủng hộ tự do hàng hải ở biển Đông. Ấn Độ có thể tham gia sứ mệnh chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tăng cường tham gia gánh vác nhiệm vụ an ninh toàn cầu… Hai bên đã dành nhiều nỗ lực tiếp thêm năng lượng xây đắp mối quan hệ đối tác chiến lược song phương. Bằng sự tin cậy về chính trị, sự cộng hưởng từ chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ và chính sách "tái cân bằng Châu Á” của Mỹ đã “đánh thức” những tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước và Khu vực.