Sức mạnh của Đảng ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân

Niềm tin là một trong những yếu tố cấu thành ý thức con người. Niềm tin cùng với tri thức tạo thành thế giới quan và góp phần quyết định hình thành nhân sinh quan. Trong đời sống chính trị, khi niềm tin chính trị được củng cố thì sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần quyết định mọi thắng lợi.

Thời nhà Lý, nhà Trần, vua quan, tướng sĩ một lòng đã giành thắng lợi trước những kẻ thù xâm lược rất mạnh. Thời nhà Hồ, do mất niềm tin của nhân dân, nên dù có sức mạnh về kinh tế, quân sự, nhưng vẫn thất bại khi quân thù xâm lăng...

Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm lớn. Một trong những bài học đó là: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.

Cách đây gần 65 năm, trong bài báo “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh” đăng trên Báo Nhân Dân, số 23, ra ngày 2-9-1951, với bút danh “C.B”, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân của bệnh quan liêu mệnh lệnh của cán bộ, đảng viên do “xa nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân…”. Cũng trong bài báo, Người khẳng định, cách chữa bệnh quan liêu gồm có một nguyên tắc là: “Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”.

Ngày 19-8-1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố
chào mừng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu-TTXVN)

Mới đây, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, niềm tin giữa con người với con người, niềm tin giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, giữa cá nhân với tổ chức... có những biểu hiện sa sút nhất định. Đặc biệt, trong mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước ở một số địa phương, trong một số thời điểm đã xuất hiện tình trạng nhân dân khiếu kiện, tố cáo vượt cấp kéo dài; vai trò của đảng viên, cán bộ trong việc định hướng dư luận, định hướng hoạt động của nhân dân chưa được phát huy. Cần thẳng thắn thừa nhận, trong bộ máy Nhà nước ta hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí thờ ơ, thiếu trách nhiệm với nhân dân, chưa thực sự là công bộc của dân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài; tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm, vun vén cá nhân; tệ tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..., làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm mất uy tín, tổn hại danh dự của Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng.

Thời gian qua, các mạng thông tin xã hội có nhiều nội dung phản ánh trái chiều, lệch lạc, thiếu tính thống nhất trong định hướng xây dựng đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới. Trong giới trẻ, việc phấn đấu vào Đảng có những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, thực dụng, mưu cầu lợi ích cá nhân. Điều đó cho thấy, niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, với Đảng, Nhà nước có những thời điểm, ở một số nơi bị giảm sút, thậm chí mất niềm tin. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản là do trong đời sống đạo đức, nhiều chuẩn mực bị sa sút, nhất là “chữ Tín” bị xem nhẹ. Cùng với đó, âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tình trạng “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" đang diễn ra phức tạp trong đời sống xã hội.

Mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước được thể hiện rõ nhất, thiết thực nhất, gần gũi nhất là việc giải quyết mối quan hệ giữa quyền lợi-nghĩa vụ, giữa nhân dân với cán bộ, đảng viên, với Đảng và các cấp chính quyền, trên tinh thần “lấy dân làm gốc, gắn bó mật thiết với nhân dân”. Những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước được triển khai vào đời sống xã hội đáp ứng yêu cầu của nhân dân, đạt được hiệu quả hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào năng lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp. Do vậy, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước phải bắt đầu từ cơ sở, xuất phát từ thực tế ở cơ sở.

Những năm qua, công tác xây dựng Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng được đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tiếp theo Cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng ta ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ngày 16-1-2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) ngày 3-6-2013 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới...

Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, Đảng, Nhà nước cần tập trung tâm huyết và trí tuệ lãnh đạo, điều hành xây dựng, phát triển đất nước với những nội dung cụ thể như: Tái cấu trúc nền kinh tế; chống tham nhũng; ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn; đổi mới giáo dục, y tế hiệu quả... để nhân dân thực sự an sinh, an tâm, an cư, an toàn... Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp phải đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân, dựa vào dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách phải xuất phát từ đời sống nhân dân, tôn trọng ý kiến góp ý để xây dựng quyết sách chính trị. Điều hết sức quan trọng là ở mọi lúc, mọi nơi, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình rèn luyện trở thành tấm gương sáng, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, phục vụ nhân dân, tổ chức, vì lợi ích chung của nhân dân, thực sự là công bộc của dân; tránh tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vụ lợi, vun vén cá nhân; đặc biệt chú trọng phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành, Đảng, Nhà nước ta không tránh khỏi những sai sót, khuyết điểm, thậm chí sai lầm... Nhân dân vẫn tin tưởng khi Đảng, Nhà nước khách quan, không né tránh, tự giác thừa nhận khuyết điểm và nghiêm túc sửa chữa, sửa sai. Những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên, của Đảng, Nhà nước cần được công khai, thể hiện sự cầu thị nhận khuyết điểm, sửa chữa thì chắc chắn sẽ luôn nhận được sự đồng tình, tin tưởng của nhân dân. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng, sử dụng, tuyển chọn đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân; kiên quyết loại khỏi đội ngũ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng… dưới sự giám sát, theo dõi của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin trong nhân dân vào Đảng và công tác cán bộ, để cán bộ, đảng viên thực sự là công bộc của dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Mỗi tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt nhất lời căn dặn của Bác Hồ về sự gắn bó mật thiết của Đảng với nhân dân. Làm được điều đó không những góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng…, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, mà còn thiết thực củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, củng cố và phát huy nguồn sức mạnh nội lực to lớn của Đảng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

"Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: Hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối" - Hồ Chí Minh
Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân