Màu xanh trên vùng đất khát

(NTO) Chưa có năm nào nắng hạn lại gay gắt như hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn. Ở trong hoàn cảnh đó, nông dân nhiều nơi trong tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo.

Mua nước cứu hành

Về thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) trong những ngày này, khi hành đã ra củ, bắp đang trổ cờ và bo bo kết hạt... Trời đứng bóng, trên cánh đồng Bờ Bạn Nhông văng vẳng tiếng máy nổ của xe công nông. Hỏi thăm mới biết đó là xe bồn chở nước “giải khát” cho ruộng hành nhà anh Trần Lợi. Với diện tích 5 sào đất trồng 12 dây hành Tết, chỉ còn 1 tháng nữa là thu hoạch nhưng bị “đứt” nước tưới đã chục ngày nay, nếu không mua từ nơi khác về “tiếp sức” thì coi như mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Lân ở thôn Khánh Tân trồng bắp lai trong mùa khô hạn có hiệu quả.
Ảnh: Anh Tùng

Đầu tư sản xuất trong mùa hạn là rất tốm kém, nhưng đối với nông dân Khánh Tân lại là chuyện “thường ngày ở huyện”. Thôn có 202 hộ, sản xuất 150 ha hành, tỏi, cà chua hoàn toàn phụ thuộc nguồn nước ngầm, đã quen “sống chung với hạn”. Để biến các khu đất khô cằn thành những cánh đồng “trăm triệu”, bà con không ngần ngại bỏ ra hàng chục triệu đồng đào giếng, bắt đường ống dài vài ba cây số để dẫn nước từ suối Đồng Nha vào ruộng tưới mát cho cây trồng. Nhưng năm nay, nắng hạn gay gắt hơn, trời hết mưa đã lâu, đào giếng giữa lòng suối cũng không chắt được “một hạt” nước. Trong tình thế cấp tốc phải “cứu” hành như “cứu hỏa”, anh Trần Lợi mạnh dạn mua nước xe bồn, chuyện xưa nay chưa từng có. Mỗi xe công nông nước giá 250.000 đồng đủ tưới 1 dây hành, tính ra một lần tưới cho ruộng hành 5 sào, anh lợi mất đứt 3 triệu đồng.

Chứng kiến việc làm của anh Lợi, ai cũng thốt lên: Chỉ có “thằng liều” mới dám làm vậy! Lo lắng rủi ro xảy ra với nông dân trong mùa hạn là lẽ thường tình, nhưng với những người có nhiều kinh nghiệm sản xuất như bà con ở thôn Khánh Tân thì việc làm trên không có gì là lạ. Anh Lợi chia sẻ: Cả đời làm nông, tôi thấy năm nào thời tiết khô hạn thì giá các loại rau, củ, quả tăng vọt. Thực tế giá hành tươi (nguyên cây) hiện nay lên tới 15.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với vụ cùng kỳ, vì thế có đầu tư thêm mua nước tưới vẫn có lãi, còn hơn mất trắng.

Không cho đất nghỉ

Trong mùa khô hạn, nông dân “trung thành” với cây hành như anh Lợi không nhiều, đa số bà con chuyển qua trồng các loại cây ít sử dụng nước. Tính sáng tạo, linh hoạt trong sản xuất của nông dân thôn Khánh Tân đã mang lại màu xanh cho vùng đất khát. Hộ bà Nguyễn Thị Lân chuyên trồng cà chua lâu năm, nhưng kể từ đầu năm 2014 đến nay đã áp dụng mô hình “1 hành - 1 cà chua - 1 bắp lai” cho thu nhập ổn định. Chia sẻ kinh nghiệm, bà Lân cho biết: Nhà tôi có 4 sào đất, luân phiên các loại cây trồng theo từng vụ, tiết kiệm được chi phí đầu tư, cây phát triển nhanh. Năm nay, hạn hán, sau khi thu vụ cà chua, ông nhà bàn “cho đất nghỉ” nhưng tôi vẫn quyết định trồng bắp lai. Ưu điểm của bắp là mỗi tuần chỉ theo nước một lần, trong khi các cây trồng khác 2 ngày phải tưới 1 lần. Dự tính 4 sào bắp lai thu lãi khoảng 20 triệu đồng, không thua kém mấy so với trồng hành, cà chua. Cũng như bà Lân, vụ này anh Nguyễn Trường cũng đã chuyển 7 sào hành sang trồng bo bo. Theo anh Trường, trồng bo bo vừa cho thu nhập cao, vừa tận dụng được phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc.

Từ Khánh Tân chúng tôi xuôi về thôn Khánh Nhơn, Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2…, trên các cánh đồng chuyên canh cây hành, tỏi trước đây, giờ đã được phủ xanh bởi các loại cây trồng chịu hạn. Nhiều hộ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho cây trồng phát triển. Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Toàn xã có khoảng 300 ha đất trồng hành, tỏi, cà chua, ớt, lấy nước từ các giếng đào, nhưng đã cạn kiệt. Để sản xuất đạt hiệu quả, chúng tôi đang vận động bà con nhân rộng các mô hình luân canh cây trồng chịu hạn.