Đối phó với dịch đau mắt đỏ

Thời gian gần đây dịch đau mắt đỏ đang hoành hành trở lại. Bệnh thường có khả năng thuyên giảm và giới hạn sau hai tuần. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, đau mắt đỏ có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng như giảm thị lực hay mù mắt.

 Để phòng tránh căn bệnh đau mắt đỏ này cần chú ý đến những vấn đề sau:

Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ, hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Triệu chứng ban đầu của bệnh là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt.

Nguyên nhân

Đau mắt đỏ gây ra do chấn thương mắt, dị ứng, bệnh tự miễn hay do nhiễm các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… Virus là nguyên nhân gây đau mắt đỏ thường gặp nhất và dễ khởi phát thành dịch di khả năng lây lan từ người này sang người khác nhanh chóng.

Virus hay vi khuẩn sẽ lây lan khi bé tiếp xúc với bạn bè hay những người xung quanh bị đau mắt đỏ. Đôi khi bé bị nhiễm bệnh hỉ do sử dụng chung khăn tắm, đồ chơi với trẻ bị bệnh hay cầm nắm những vật dụng bị dính dịch tiết có chứa virus, vi khuẩn gây bệnh.

Biểu hiện thường gặp

Sauk hi bị nhiễm, tùy theo tác nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của trẻ mà thời gian ủ bệnh và biểu hiện sẽ khác nhau. Bên cạnh dấu hiệu đỏ mắt, trẻ còn có các triệu chứng như nhức mắt, chảy nước mắt nhiều, đóng ghèn, sợ ánh sáng, đau và rất khó chịu khi mở mắt, xốn như có vật lạ trong mắt. Đôi khi bé có tình trạng nhìn mờ hay giảm thị lực.

Đau mắt đỏ thường giới hạn sau 7 – 10 ngày, nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị thích hợp, bệnh có thể diễn tiến trầm trọng hơn và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm kết mạc mãn tính, đau mắt hột, viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc, giảm thị lực, mù mắt…

Điều trị

Không nên tự nhỏ thuốc hay đắp lá cây khi mắt đỏ vì chất độc hay vi khuẩn trong lá cây có thể làm cho tổn thương ở mắt trở nên trầm trọng hơn. Nên dùng NatriClorua, Effticol 0,9% hay nước mắt nhân tạo để làm sạch mắt và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc nặng hơn.

Tùy nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị khác nhau. Bên cạnh việc dùng nước muối sinh lý để làm sạch ghèn và vệ sinh mắt nhiều lần trong ngày, thuốc nhỏ mắt có hoặc không chứa kháng sinh sẽ được chỉ định nhỏ mắt 2 – 3 lần trong ngày tùy trường hợp. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Phòng bệnh và hạn chế lây lan

Rửa tay thường xuyên là cách hữu hiệu để phòng đau mắt đỏ. Tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi từ bên ngoài về nhà. Không dùng tay dụi mắt.

Không dùng chung khăm mặt, khăn tắm. Thường xuyên giặt rồi sấy hoặc phơi khô dưới nắng.

Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mắt bé đều đặn mỗi tối trước khi đi ngủ để loại bỏ bụi bẩn.

Khi bị đau mắt đỏ, trẻ cần được điều trị tích cực và hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh ít nhất 7 ngày.

Không dùng thuốc đã nhỏ bên mắt bệnh để nhỏ vào mắt lành. Nếu trong gia đình có nhiều thành viên bị đau mắt đỏ, mỗi người cần có một hộp thuốc riêng.

Không cho trẻ đi bơi ở hồ bơi công cộng hay đến nơi đông người khi đang có dịch đau mắt đỏ.

nguồn: ebe.vn