Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thành lập Ban Quản lý KKT Phú Quốc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý chủ trương thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng Đề án thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17/8/2006 quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp Nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 35 Nghị định 29/2008/NĐ-CP, về nguyên tắc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một Ban Quản lý để quản lý các khu trên địa bàn (bao gồm: Khu công nghiệp, khu kinh tế). Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã có Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, do tính đặc thù của đảo Phú Quốc nên cần thiết tổ chức 1 Ban quản lý riêng để tập trung quản lý có hiệu quả Khu kinh tế Phú Quốc.

Điều chỉnh Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến 65% vốn điều lệ đối với 3 Công ty TNHH một thành viên: Địa chất Việt Bắc - Vinacomin (2015), Địa chất mỏ - Vinacomin (2015), Nhôm Lâm Đồng - Vinacomin (giai đoạn 2016-2018).

Thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng (năm 2015).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện xây dựng phương án để tiếp tục thực hiện việc thoái vốn tại Dự án Công ty cổ phần Đầu tư kinh tế Hải Hà.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam loại khỏi giá trị doanh nghiệp đối với giá trị đầu tư dang dở và điều chuyển các hạng mục này về Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để quản lý và sử dụng khi thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Cơ khí đóng tàu; xử lý các khoản công nợ phải thu khó đòi của Công ty này theo quy định hiện hành.

Hỗ trợ tỉnh Cà Mau phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất Chlorine 65% min thuộc hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Cà Mau phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số hóa chất nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

2 công ty được hưởng miễn trừ tập trung kinh tế

Thủ tướng Chính phủ quyết định cho hưởng miễn trừ tập trung kinh tế đối với Công ty Cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thẻ Smartlink.

Cụ thể, các bên tham gia tập trung kinh tế có tên nêu trên được thực hiện tập trung kinh tế theo hình thức sáp nhập doanh nghiệp.

Thời hạn được hưởng miễn trừ là 5 năm. Sau mỗi 5 năm, nếu các bên tham gia tập trung kinh tế không vi phạm các điều kiện và nghĩa vụ cho hưởng miễn trừ, thời hạn được hưởng miễn trừ sẽ được gia hạn tự động 5 năm.

Quyết định cũng quy định cụ thể điều kiện và nghĩa vụ được hưởng miễn trừ gồm:

- Doanh nghiệp sau sáp nhập phải xây dựng và thực hiện lộ trình triển khai các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đảm bảo chất lượng dịch vụ kết nối vào hạ tầng chuyển mạch.

Doanh nghiệp phải đảm bảo quyền của các ngân hàng và các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và có đề nghị phải được kết nối vào hệ thống và được mua dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở không phân biệt đối xử.

- Doanh nghiệp phải đăng ký mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có nội dung đảm bảo chất lượng dịch vụ kết nối với Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương và cơ quan quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực trung gian thanh toán trước khi áp dụng đối với khách hàng để đảm bảo việc loại bỏ các điều khoản bất lợi mà doanh nghiệp áp đặt lên khách hàng.

- Việc bổ sung, điều chỉnh các loại phí dịch vụ của doanh nghiệp thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo với Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh) việc thực hiện các điều kiện cho hưởng miễn trừ và cam kết nêu trên sau mỗi 5 năm.

Các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và vi phạm pháp luật liên quan khác của doanh nghiệp được xử lý theo quy định của pháp luật.

Lựa chọn dự án PPP tiềm năng cao

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xác định lĩnh vực phù hợp, lựa chọn dự án tiềm năng cao, có khả năng thu hồi vốn, lập danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với 4 lĩnh vực có nhiều dự án PPP tiềm năng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động rà soát lại danh mục dự án PPP. Bộ Giao thông vận tải lựa chọn dự án cụ thể trong các lĩnh vực đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không – sân bay; Bộ Xây dựng lựa chọn dự án cụ thể trong các lĩnh vực như xử lý chất thải rắn, nước thải, cấp nước đô thị; Bộ Công Thương lựa chọn dự án cụ thể trong các lĩnh vực như năng lượng, chợ đầu mối; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn dự án cụ thể trong các lĩnh vực như nước sạch nông thôn, thủy lợi nhỏ, trạm bơm, kho chứa, trồng rừng, rừng ngập mặn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành hướng dẫn, chỉ đạo ngành dọc trong lĩnh vực mình phụ trách tại địa phương để đảm bảo thực hiện dự án PPP xuyên suốt, thống nhất; hàng năm tổ chức kiểm tra các địa phương để kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lập, thực hiện dự án PPP, đặc biệt là mô hình tài chính.

Về nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị dự án PPP, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc chuẩn bị dự án có ý nghĩa rất quan trọng đến sự thành công của dự án. Hiện nay nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị dự án đã sẵn sàng (nguồn vốn PDF). Vì vậy, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, lựa chọn một số dự án có khả năng thành công cao để triển khai; khi lựa chọn được nhà đầu tư cần thực hiện thu hồi chi phí chuẩn bị dự án để tái tạo nguồn vốn cho chuẩn bị đầu tư các dự án PPP tiềm năng khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, tổng hợp, thống kê các nghĩa vụ tài chính của Nhà nước trong các hợp đồng PPP đã ký với nhà đầu tư để nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, ưu đãi bảo đảm đầu tư có hiệu quả; sớm xây dựng cơ chế chung cho toàn quốc.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, tăng cường năng lực về PPP; phân cấp nhiều cấp độ đào tạo (ví dụ các khóa học cơ bản, nâng cao…), mời các chuyên gia giỏi quốc tế trong các khóa đào tạo chuyên sâu.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ này trong năm 2015 tổ chức kiểm tra tình hình triển khai các dự án PPP tại Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.