CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Biết rồi… nói mãi!

(NTO) Có thể nói, hầu như ai cũng mong muốn luôn có được môi trường sống - cả tự nhiên và xã hội - thật tốt chí ít là bảo đảm cho sức khỏe, an toàn, thân thiện trong cuộc sống… để học tập, lao động sản xuất, tạo thu nhập cho gia đình, đóng góp xây dựng xã hội…

Thế nhưng, giữa mong muốn với hiện thực lại không đi đôi với nhau, có người còn ví von bằng hình ảnh: Trên cùng khuôn mặt, mũi kia với miệng đây gần nhau lắm đấy nhưng có bao giờ gặp nhau, huống chi…!. Sự so sánh nào cũng khập khiễng nhưng điều muốn nói là để mong muốn kia thành hiện thực không dễ chút nào, bởi lẽ nói không đi đôi với làm!. Ví như chuyện vệ sinh môi trường. Đến nay hầu hết các xã, phường trong thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đều có đội vệ sinh thu gom rác thải đến từng khu phố; các thị trấn, thị tứ ở các huyện cũng vậy. Phí cho “dịch vụ” này chỉ thu 12.000 đồng/tháng/hộ, hơn tiền của ly cà phê sữa bình dân quán cóc một chút, nhưng đâu dễ thu!. Đã không nộp phí tất nhiên là đem rác đi đổ… “lén” hoặc nơi công cộng, hoặc xuống mương rãnh thoát nước, hoặc… nơi nào đổ được. Vậy là từ một hộ thành nhiều hộ mang rác đến “góp” vào, cho nên chỉ trong thời gian ngắn từ sạch sẽ trở thành bãi rác công cộng. Khổ nỗi, môi trường ngày càng xấu đi do rác nhưng ngay cả người dân quanh đó cũng không có ý kiến gì mà “chấp nhận” chịu trận, cũng không thu gom dọn dẹp cho sạch để người khác đừng đổ “trộm” nữa… Lạ hơn là lãnh đạo từ khu phố đến phường cũng như các đoàn thể quá “quan liêu” nên không sát cơ sở hoặc thấy nhưng cho là chuyện của… ai đó nên không chỉ đạo xử lý, chí ít là tổ chức dọn dẹp, làm sạch môi trường. Điều này trở thành “quá” phổ biến ở phần lớn các địa phương.

Đoàn viên, thanh niên phường Mỹ Hương trổng cây phủ xanh đô thị. Ảnh: Anh Tuấn

Không chỉ có chuyện môi trường, trong cư xử cũng lắm điều phải bàn. Có người cho rằng, ngày nay người ta ít… “tử tế” với nhau!. Nói thế không sai nhưng quá võ đoán. Có điều, ngoài thế hệ những người từ trung niên trở lên quan hệ đối xử với nhau còn thân tình, tế nhị… ngược lại đa phần giới trẻ lại thiếu vắng lời “cám ơn” khi được giúp đỡ hoặc “xin lỗi” khi làm điều chưa phải mà thay vào đó là những từ ngữ không đẹp. Chẳng đâu xa, chỉ cần để ý khi tham gia giao thông, người trẻ thì chạy xe “phang ngang, bửa củi” chẳng cần biết nhường đường cho người lớn tuổi, hay nếu như có va quẹt thì “sửng cồ”, “đao to búa lớn” dù lỗi đó do mình gây ra. Anh bạn tôi đã có lý khi cho rằng: - Ra ngoài xã hội cứ “mũ ni che tai” cho qua chuyện, chẳng “dại” gì mà vướng vào chuyện người để mang rắc rối vào thân!. Nói vậy “tiêu cực” thật nhưng không phải là anh “vô cảm” vì như anh cho biết: Có lần gặp vụ tai nạn giao thông, anh liền phụ đưa người bị nạn vào bệnh viện cấp cứu. Tưởng vậy là xong và vui trong lòng vì đã làm được việc tốt, thế nhưng không ngờ gia đình người bị tai nạn không những không có lời cám ơn mà ngược lại coi anh như “tội đồ” vì cho rằng anh là người gây ra vụ va chạm kia mặc dù anh hết lời giải thích, cả người cùng đi với anh làm chứng. Thế là, xe bị giữ lại, cơ quan chức năng mời lên, mời xuống lấy lời khai, vừa bị cơ quan phê bình do bê trễ công việc… Và phải mất vài hôm sau mới được… “giải oan” khi đã xác định được “tác giả” của vụ tai nạn kia. Đúng là “làm ơn mắc oán” và anh… “cạch” tới già, không dám làm “người tốt” nữa!.

Thế đấy, để làm người “tử tế” không dễ nhưng không vì vậy mà phớt lờ mọi giá trị đạo đức xã hội. Điều chính yếu là để đẩy lùi “cái ác”, “cái xấu” trong xã hội rất cần đến sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường đối với giới trẻ và nâng cao tính tự giác thực hiện của mỗi người…góp phần làm lành mạnh hóa xã hội. Những chuyện nêu trên kể ra dường như ai cũng biết, thậm chí còn “phàn nàn”: -Biết rồi! Vậy nhưng… vẫn phải nói để mọi người cùng chung tay thực hiện không ngoài mong muốn là làm cho môi trường sống ngày càng lành mạnh hơn lên.