Thế giới trong tuần

1. Sự kiện được dư luận quốc tế quan tâm, ngày 17-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) và Chủ tịch Cuba Raul Castro (Ra-un Cát-trô) chính thức tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ song phương sau 53 năm. Hai bên đạt thỏa thuận sau 18 tháng đàm phán. Trước đó, ngày 16-12, Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul đã có cuộc điện đàm trực tiếp trong vòng 45 phút.

Kế hoạch bình thường hóa được Tổng thống Obama đưa ra bao gồm 5 nội dung: Xem xét lại việc coi Cuba là một Nhà nước tài trợ khủng bố; Nới lỏng lệnh cấm vận du lịch đến Cuba đối với công dân Mỹ; Nới lỏng các hạn chế về tài chính đối với Cuba, các thẻ tín dụng của Mỹ được phép chi tiêu tại Cuba; Tăng cường các liên lạc, trao đổi các đoàn cấp cao giữa 2 nước; Gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài từ năm 1961 đến nay.

Nhìn chung, công chúng Mỹ hoan nghênh quyết định lịch sử của Chính quyền Obama. Theo giới phân tích, xu hướng chung trong dư luận công chúng và chính giới Mỹ trong những năm gần đây vẫn là hướng tới việc xóa bỏ lệnh cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nhạy cảm nên phản ứng của chính giới Mỹ, đặc biệt là các nghị sĩ có xu hướng ủng hộ đường lối này là khá dè dặt.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) đã hoan nghênh quyết định lịch sử này của Mỹ và Cuba, đồng thời khẳng định LHQ giúp 2 nước phát triển quan hệ này. Giáo hoàng Francis đã chúc mừng Mỹ và Cuba về sự “tan băng” lịch sử trong quan hệ giữa 2 nước. Tổng thống Venezuela (Vê-nê-du-ê-la) thì gọi thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Cuba là một hành động “dũng cảm” của Tổng thống Obama và là một chiến thắng của đảo quốc Caribe này.

2. Vụ thảm sát đẫm máu của phiến quân Taliban nhằm vào một trường học tại Peshawar (Pết-ha-van), khu vực Tây Bắc Pakistan (Pa-kít-tan) khiến 145 người thiệt mạng, trong đó có tới 132 em nhỏ trong độ tuổi từ 10 đến 16 đã gây chấn động cộng đồng quốc tế.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng, Taliban đã thực hiện một hành động ghê rợn và hèn hạ khi tấn công những đứa trẻ không được phòng vệ trong lúc các em đang học tập. “Tôi lên án mạnh mẽ vụ tấn công ở Pakistan. Không gì có thể biện minh cho hành động tàn ác đó. LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.”-ông Ban Ki-moon bày tỏ. Malala Yousafzai, cô gái 17 tuổi người Pakistan vừa đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 chia sẻ: “Trái tim tôi như tan vỡ khi hay tin hơn 100 em nhỏ vô tội và giáo viên nhà trường đã chết trong vụ thảm sát ở Peshawar. Đây là lúc chúng ta cần đoàn kết, chiến đấu chống lại khủng bố và bảo đảm rằng mọi trẻ em được an toàn và được học hành”. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng khẳng định, vụ tấn công của Taliban đã đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của nhân loại. Chính phủ Pakistan tổ chức 3 ngày Quốc tang tiễn biệt các nạn nhân vụ thảm sát. Quân đội Pakistan cho biết, 7 tay súng Taliban đã mặc áo chứa chất nổ để đánh bom liều chết khi tấn công vào trường học, khi ấy đang có 1.100 học sinh và nhân viên nhà trường. Toàn bộ các tay súng Taliban đã bị tiêu diệt.

3. Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản lần thứ 47 đã kết thúc. Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền giành thắng lợi với 291 ghế trên tổng số 475 ghế. Với kết quả này, LDP không những yếu đi, mà thậm chí còn mạnh lên và trở thành đảng có sức chi phối chính trị chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây, tạo sự hậu thuẫn mạnh mẽ và là điểm tựa quan trọng cho Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-be) tiếp tục triển khai hàng loạt chính sách kinh tế Abenomics của đảng cầm quyền mà ông đã khởi xướng trong 2 năm qua, đó là chống lạm phát, tăng cường sức mạnh kinh tế các địa phương, thúc đẩy vai trò của phụ nữ và củng cố sức mạnh Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Thủ tướng Abe đã kiên trì chính sách cải cách và cho rằng, Abenomics, bao gồm cả việc nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, chi tiêu tài chính quy mô lớn và cải cách thúc đẩy tăng trưởng là cách duy nhất để chấm dứt giảm phát và vực dậy nền kinh tế.