Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Quy định mới về quản lý tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước

Từ ngày 15/2/2015, việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước sẽ được thực hiện theo Quyết định sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 1 Quyết định 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Cụ thể, đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương quản lý); tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh do Sở Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý) trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá (đối với trường hợp bán đấu giá) hoặc Sở Tài chính ban hành Thông báo về giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đối với trường hợp bán chỉ định). Trường hợp quá thời hạn này mà chưa nộp đủ số tiền vào tài khoản tạm giữ thì bị phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thời hạn nộp tiền cụ thể và việc phạt chậm nộp được quy định tại Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (đối với trường hợp bán đấu giá) hoặc Hợp đồng mua bán tài sản (đối với trường hợp bán chỉ định).

Số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên tài khoản tạm giữ sau khi trừ các chi phí có liên quan do Sở Tài chính xác định được xử lý như sau:

- Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Trung ương, được để lại toàn bộ (100%) số tiền thu được từ bán tài sản trên đất; 70% số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Bộ Tài chính thực hiện nộp 30% số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào ngân sách địa phương nơi có cơ sở nhà đất.

- Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương, được để lại toàn bộ (100%) số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Quản lý tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với công ty nhà nước

Đối với công ty nhà nước, số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản (đối với công ty Nhà nước thuộc Trung ương quản lý) hoặc tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh do Sở Tài chính làm chủ tài khoản (đối với công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý) trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá (đối với trường hợp bán đấu giá) hoặc Sở Tài chính ban hành Thông báo về giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đối với trường hợp bán chỉ định). Trường hợp quá thời hạn này mà chưa nộp đủ số tiền vào tài khoản tạm giữ thì bị phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thời hạn nộp tiền cụ thể và việc phạt chậm nộp được quy định tại Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (đối với trường hợp bán đấu giá) hoặc Hợp đồng mua bán tài sản (đối với trường hợp bán chỉ định).

Số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên tài khoản tạm giữ sau khi trừ các chi phí có liên quan do Sở Tài chính xác định được xử lý như sau:

- Số tiền bán tài sản trên đất, công ty nhà nước được sử dụng theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

- Số tiền thu được từ chuyển nhượng quyển sử dụng đất:

+ Được để lại 50% (đối với cơ sở nhà, đất trên địa bàn các thành phố là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I); 70% (đối với cơ sở nhà, đất trên địa bàn các tỉnh còn lại).

+ Bộ Tài chính (đối với công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý) hoặc Sở Tài chính (đối với công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý) thực hiện nộp 50% (đối với cơ sở nhà, đất trên địa bàn các thành phố là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I) hoặc 30% (đối với cơ sở nhà, đất trên địa bàn các tỉnh còn lại) vào ngân sách địa phương (nơi có cơ sở nhà đất) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Đổi tên phường 6 TP Vũng Tàu

Chính phủ vừa ra nghị quyết đổi tên phường 6 thành phường Thắng Nhì thuộc thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên cơ sở chuyển toàn bộ 272,82 ha diện tích tự nhiên, 21.138 nhân khẩu và 8 khu phố của phường 6.

Theo đó, địa giới hành chính phường Thắng Nhì có phía Đông giáp phường 9 và phường 7; Tây giáp phường 5; Nam giáp phường 4 và phường 1; Bắc giáp phường 9 và sông Thị Vải.

Sau khi đổi tên phường 6 thành phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu có 17 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 16 phường (1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Nguyễn An Ninh, Rạch Dừa) và xã Long Sơn.

Bổ sung hơn 323 tỷ để phát triển nguồn nhân lực y tế

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 323,1 tỷ đồng từ dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo của ngân sách Trung ương năm 2014 để thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế.

Số kinh phí trên được bổ sung cho Bộ Y tế 213,663 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo 93,803 tỷ đồng và tỉnh Nghệ An 15,634 tỷ đồng.

Ứng vốn hỗ trợ 2 ngân hàng chính sách

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc ứng vốn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, Bộ Tài chính ứng 11.600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý còn thiếu đến hết năm 2013 cho 2 ngân hàng chính sách nêu trên.

Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được ứng 8.400 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội được ứng 3.200 tỷ đồng.

Việc bố trí, cân đối nguồn vốn để thu hồi vốn ứng nêu trên thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 1 Văn bản 8939/VPCP-KTTH ngày 10/11/2014 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp vói Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc năm ngân sách 2014 tính toán, cân đối nguồn để thu hồi. Trường hợp không bố trí được hoặc bố trí không đủ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kế hoạch các năm sau để thu hồi.

Ban hành Quy chế làm việc của UBQG Đổi mới giáo dục và đào tạo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo vừa ký ban hành Quy chế làm việc của Uỷ ban Quốc gia này.

Theo đó, Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo làm việc theo nguyên tắc đề cao trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban; bảo đảm sự chủ động giải quyết nhiệm vụ của các thành viên Ủy ban và các cơ quan thường trực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

Đồng thời, giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, không chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan liên quan, đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, bảo đảm kịp thời, chất lượng và hiệu quả.

Quy chế cũng quy định cụ thể nhiệm vụ của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên thường trực, các Ủy viên Ủy ban. Các thành viên Ủy ban làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Bộ phận giúp việc cho Ủy ban đặt tại Văn phòng Chính phủ; do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quyết định thành lập; gồm các công chức kiêm nhiệm của Văn phòng Chính phủ và trường hợp cần thiết, cử công chức biệt phái của một số Bộ, ngành liên quan.

Các tổ chức tư vấn của Ủy ban được thành lập theo yêu cầu công việc cụ thể. Thành viên tổ chức tư vấn là đại diện một số tổ chức và chuyên gia trong và ngoài nước, được mời làm việc theo nhiệm vụ và có thời hạn.

Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quán triệt nội dung chỉ đạo của Ủy ban để đôn đốc, triển khai thực hiện các nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo tại địa phương; phối hợp với Bộ phận giúp việc cho Ủy ban đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề tại địa phương.

Bên cạnh đó, giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của mình có liên quan đến công tác đổi mới giáo dục và đào tạo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và yêu cầu của Ủy ban.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Thái Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 438,3 ha đất trồng lúa để thực hiện 2 dự án.

2 dự án trên gồm: Dự án đường trục huyện từ thị trấn Hưng Nhân đến thị trấn Hưng Hà và Dự án quy hoạch dân cư dọc hai bên đường trục huyện từ thị trấn Hưng Nhân đến thị trấn Hưng Hà.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ.

TPHCM thanh toán hợp đồng BT bằng giao dự án khác

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế thực hiện phương thức thanh toán Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) bằng giao dự án khác đối với Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc-Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 theo hình thức Hợp đồng BT.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND TP. Hồ Chí Minh được giao dự án khác (là dự án do Nhà đầu tư thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng BT) để Nhà đầu tư thực hiện đồng thời với Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc-Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 theo hình thức Hợp đồng BT.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn UBND TP. Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế thanh toán hợp đồng đối với dự án trên bảo đảm hài hòa lợi ích và hiệu quả đầu tư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND TP. Hồ Chí Minh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các dự án khác cho nhà đầu tư đối với từng phần diện tích đất tương ứng với tiến độ hạng mục công trình dự án BT hoàn thành đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi (nếu thực sự cần thiết) các quy định hiện hành về cơ chế thực hiện hợp đồng BT bằng dự án khác để nhà đầu tư thực hiện đồng thời với dự án BT, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo báo cáo của TP. Hồ Chí Minh, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế phương thức thanh toán trên sẽ giảm được tiền lãi vay, trong khi Thành phố đã có quỹ đất sạch có thể khai thác được ngay, hạn chế bức xúc của người dân đã bàn giao mặt bằng, sớm hoàn thiện hạ tầng đồng bộ Khu đô thị mới Thủ Thiêm đưa vào sử dụng.

Biểu dương Lâm Đồng xử lý kịp thời thông tin về chất lượng nông sản

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hoan nghênh UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các biện pháp xử lý thông tin sai về chè và hàng nông sản Việt Nam bị nhiễm dioxin, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè và hàng nông sản.

Được biết, trong tháng 9/2014, trên một số phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan đưa tin về hàng nông sản Việt Nam bị nhiễm dioxin gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông sản xuất khẩu, nhất là thị trường xuất khẩu chè, không chỉ gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng tại Đài Loan mà còn nhiều nước cảnh giác về nông sản Việt Nam đặc biệt là mặt hàng chè.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời có những biện pháp xử lý như: Chỉ đạo các Sở khẩn trương kiểm tra, xác minh qua đó khẳng định Lâm Đồng chỉ có 2 vùng diện tích rất nhỏ trước đây Mỹ có rải chất độc màu da cam. Diện tích này trước đến nay là vùng rừng núi, không sản xuất kinh doanh nông nghiệp và cách xa vùng nguyên liệu chè, cà phê, rau, hoa hàng trăm km nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến các vùng nguyên liệu.

Tỉnh đã có văn bản gửi phía Đài Loan khẳng định hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, đặc biệt là hàng nông sản không bị nhiễm dư lượng của chất dioxin trong chiến tranh và dư lượng chất bảo vệ thực vật khác… Bước đầu đã tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, góp phần ổn định tâm lý, cuộc sống của hàng ngàn hộ nông dân.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã hoan nghênh UBND tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan, tỉnh Lâm Đồng đánh giá, kết luận cụ thể và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng chè, hàng nông sản được sản xuất, xuất khẩu từ tỉnh Lâm Đồng cho phía Đài Loan và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan.

Phó Thủ tướng giao các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền Thông chỉ đạo các cơ quan chức năng; Hiệp hội chè Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản chủ động có biện pháp phản hồi với các cơ quan chức trách và các cơ quan truyền thông của Đài Loan trong việc đưa tin không chính xác, thiếu căn cứ về chất lượng chè, hàng nông sản Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền khẳng định về chè, hàng nông sản Việt Nam bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.