Mẹ ơi, con buồn ngủ !

(NTO) Hồi chúng tôi đi học cấp một (tiểu học hiện nay) sao mà nhẹ nhàng vậy. Vài ba quyển vở, cây bút chì, bút mực, ba đến năm đứa chung nhau quyển sách giáo khoa. Sáng đi học, chiều về giúp cha mẹ việc nhà hoặc đi câu cá, chơi bóng, thả diều, biết đi chợ, gánh nước, nấu cơm, giữ em.

Kể lại chuyện ngày xưa đi học của mình cho con nghe, chúng bảo “truyện cổ tích”. Nghe chúng giải thích có cái lý của nó, bởi sự học hành của các cháu thời nay đến mức luôn luôn “thèm một giấc ngủ” đã nói lên tất cả.

Đem “truyện cổ tích” chia sẻ với nhóm bạn thân, chúng bảo có lẽ chuyện học hành của mình xưa rồi, thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đến “cả thế giới trong tầm tay” (internet) thì cái sự học nó biến đổi nhiều là điều hiển nhiên. Này nhé, cháu tớ chưa đi học lớp một đã lướt Web như gió, smartphone mình xài chưa rành cháu biểu để con chỉ. Thấy anh bạn hiểu ý khác, tôi bèn nhắc lại “môi trường hiện đại tạo cho chúng nó lanh lợi như ông nói tôi đồng ý, nhưng ý tôi là thấy chúng nó học hành khổ quá”. Ừ, ông nói tôi thấy cũng đúng, tôi nghe nói giáo dục phải “toàn diện”, muốn thế tất tần tật các môn trẻ đều phải học nên cặp sách của học sinh tiểu học dường như quá tải nói chi lớp đàn anh chị nó. Ngày xưa, lớp Một mình học ò, ó, o như gà gáy sáng, rồi gạch hàng rào, vẽ vòng tròn...

Thế là cái sự học ngày xưa, ngày nay như nguồn cảm hứng bất tận để ai ai cũng trổ tài như chính mình là chuyên gia giáo dục vậy, nào là ngày xưa “học mà chơi, chơi mà học” còn ngày nay “học quên chơi”, rồi xưa ”học đi đôi với hành” (học tập gắn với lao động chân tay) còn nay từ lau bảng đến quét lớp, sân trường…có cô lao công đảm nhiệm. Đang lúc cao trào thì đứa bạn gái duy nhất trong nhóm lên tiếng cắt ngang: “Thôi thì sự học ngày xưa, ngày nay các ông tạm hoãn lại, có việc này tôi hỏi xem con các ông có giống con tôi hay không. Cháu học lớp Một, đêm rồi học bài trong phòng khoảng hơn 20 giờ, tôi vô kiểm tra thấy nó ngủ gục trên bàn học, tay đè lên tờ giấy “Mẹ ơi con buồn ngủ”, thấy thương quá!”. Ngay lập tức, cả nhóm chuyển qua xác định nguyên nhân con trẻ ngủ gục: Đó là bởi chương trình tiểu học quá tải dẫn đến học sinh mệt mỏi, là vì bệnh thành tích trong ngành giáo dục vẫn chưa giảm, rồi chuyện mất cân đối giữa giáo dục văn hoá với rèn luyện thể chất cho học sinh…và vì vậy có người đề nghị bổ sung thêm môn “ngủ” vào chương trình giáo dục. Xem ra, sự nghiệp giáo dục đúng là của toàn dân, mọi ngóc ngách dù nhỏ cũng được đám bạn tôi mổ xẻ chỉ ra nguyên nhân. Họ nói đúng hay sai xin không bàn nhưng chính các bậc cha mẹ cũng là người có lỗi trong việc “con buồn ngủ”. Chúng ta bình tâm xem xét có ai không kỳ vọng con mình học giỏi, sau này thi đỗ đại học, ra trường có việc làm, thu nhập tốt. Vì thế họ đua nhau tìm trường tốt, thầy giỏi cho con, rồi học thêm, học trước chương trình năm học, học nâng cao, học ngoại ngữ ngay từ lớp một. Các cháu cứ như con quay “học, học… và học” không có thời gian nghỉ ngơi nói gì đến thể thao, thể dục để nâng cao thể lực. Học sinh lớp một học ngày hai buổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không cho bài tập về nhà nhưng có mấy cháu không học thêm, tối không làm bài tập. Theo thông tin mới nhất trên VTV thì sau 10 năm, chiều cao người Việt Nam tăng hơn 1 cm, còn người Nhật tăng 10 cm. Ngoài chế độ ăn uống dinh dưỡng thì việc học hành quá tải, quá sức là nguyên nhân không nhỏ làm hạn chế mức độ tăng chiều cao của người Việt chúng ta.

“Mẹ ơi, con buồn ngủ!” là lời cảnh tỉnh trước hết đối với các bậc cha mẹ về phương pháp dạy con học hành để sao cho mỗi ngày đến trường học là niềm vui, niềm hạnh phúc của trẻ thơ, để các thế hệ trẻ người Việt Nam chúng ta phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực. Và như lời Bác Hồ dạy: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Trẻ em là mầm non của quê hương, đất nước, chúng ta hãy làm như lời Bác dạy để các cháu có đủ trí, lực sau này trở thành người chủ tương lai của đất nước, làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam.