Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2014):

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - “Cương lĩnh” chính trị-quân sự của quân đội cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” có giá trị như “cương lĩnh” chính trị-quân sự về tổ chức xây dựng, phương châm hoạt động của quân đội ta.

Cuối tháng 10-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Sau khi nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh báo cáo về phong trào cách mạng, sự khủng bố của thực dân Pháp, Người chỉ đạo: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang (LLVT). Chúng ta sẽ lập đội quân giải phóng...”. Người trực tiếp giao đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ này và chính Người phác thảo những nét chính về Đội Việt Nam Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động việc cung cấp lương thực, đạn dược quan hệ giữa đội chủ lực và các LLVT địa phương. Người căn dặn: “Các đội viên phải là những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Trong đội phải có đủ thành phần Tày, Nùng, Mán, Kinh…, người địa phương nào cũng có, nhằm phục vụ cho hoạt động sau này của đội được thuận lợi… Phải dựa chắc vào dân. Dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được ta. Đặc biệt, tổ chức phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo…”.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải Phóng quân (22-12-1944).
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo chỉ dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba họp bàn việc chọn người và tập trung vũ khí. Đồng chí Hoàng Sâm được chọn làm Đội trưởng đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Về tên gọi của Đội, các đồng chí dự kiến lấy tên là Đội Việt Nam Giải phóng quân. Sau khi nghe báo cáo kế hoạch và tên gọi của Đội, Người chỉ thị thêm vào hai chữ “tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ chính trị lúc này còn trọng hơn quân sự.Người nhấn mạnh: “Một là, cuộc chiến đấu đầu tiên phải là một cuộc thắng lợi, bởi cuộc chiến đấu ấy có tác dụng rất lớn lao và trong một phần lớn, sẽ quyết định tương lai của đội. Hai là, các cuộc hành động phải nhằm thời gian, phải nhằm địa điểm, tổ chức phải gọn gàng, chu đáo, xuất sắc, làm cho vang dội đến khắp trong nước và vang dội cả ra nước ngoài. Sau mỗi thắng lợi phải triệt để lợi dụng để mở rộng tuyên truyền. Có thế Đội giải phóng quân mới đạt mục đích tuyên truyền của nó, mới kêu gọi toàn dân đoàn kết, vũ trang đứng dậy, mới làm cho nước ngoài chú ý đến cuộc chiến đấu chống phát-xít của dân tộc Việt Nam…”.Người yêu cầu: “Khi thành lập đội phải có lời thề danh dự thành lập xong, ra quân hành động có tính chất quần chúng. Trận đầu, mặc dù đội quân mới thành lập, còn non yếu, nhưng phải chiến thắng…”.

Trước ngày thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư nhỏ của lãnh tụ Hồ Chí Minh đựng trong vỏ bao thuốc lá. Đó chính là “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” do Người trực tiếp soạn thảo.Theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ hai ngày sau khi thành lập, đội đã ra quân, giành thắng lợi tại hai trận đánh đầu tiên: Trận Phai Khắt (ngày 25-12) và trận Nà Ngần (ngày 26-12-1944), mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của quân đội ta.Ở khu căn cứ Lam Sơn (Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận được tin chiến thắng và biết nơi đóng quân của đội ở Lũng Dẻ. Người triệu tập các đồng chí Vũ Anh, Phạm Văn Đồng và Hoàng Đức Thạc (Bí thư Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng) tới họp bàn giao cho hai đồng chí Vũ Anh và Hoàng Đức Thạc thay mặt Tổng bộ Việt Minh và Liên tỉnh ủy mang thư và quà của Người đến chúc mừng. Người dặn đồng chí Phạm Văn Đồng cho đăng tin về sự ra đời và những trận đánh thắng lợi của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại Phai Khắt, Nà Ngần trên Báo Việt Nam độc lập để khuếch trương thanh thế chiến thắng.Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, quân đội ta ngày một trưởng thành, lớn mạnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đúng như nhận định của Bác trong Chỉ thị thành lập đội: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam của chúng ta…”.

Thực tiễn cách mạng cho thấy: Việc lãnh tụ Hồ Chí Minh ban hành chỉ thị và sự kiện ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Nội dung Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là sự kết tinh, kế thừa có tính nhất quán, sáng tạo tư tưởng, đường lối, chủ trương xây dựng LLVT cách mạng của Đảng ta từ khi thành lập (3-2-1930). Chỉ thị tuy ngắn gọn, chỉ 318 chữ, nhưng theo đánh giá của đồng chí Trường Chinh, đó là một Cương lĩnh quân sự của Đảng, trực tiếp góp phần chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, xây dựng LLVT cách mạng, quân đội cách mạng.70 năm đã đi qua, nhưng Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn tiếp tục soi rọi cho sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói riêng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Thông tin tư liệu