Vấn đề hôm nay:

Giảm nghèo- Cần có giải pháp căn cơ !

(NTO) Giảm nghèo là mục tiêu mà tỉnh ta theo đuổi từ nhiều năm qua, không chỉ với quyết tâm suông mà bằng chỉ số cụ thể, đó là phấn đấu giảm bình quân mỗi năm phải đạt 2%. Cùng với đó là chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp như tạo việc làm, hỗ trợ vốn trong sản xuất, kinh doanh, giúp vốn xoay vòng… gắn với sự “vào cuộc” tích cực của các Hội, đoàn thể và tổ chức xã hội.

Chỉ tính trong năm 2014 này, theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh đã có thêm hơn 16.440 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có gần 5.300 lao động làm việc trong tỉnh, còn lại là việc làm ngoài tỉnh. Ngoài ra, còn có trên 9.530 lao động được đào tạo nghề, trong đó có 8.417 người đào tạo sơ cấp, đồng thời có trên 4.000 lao động nông thôn được dạy nghề gắn với điều kiện sản xuất thực tế…

Đào tạo nghề đan lát xuất khẩu ở huyện Bác Ái. Ảnh: Anh Tuấn

Có thể nói, đây là một trong những “kênh” khá quan trọng trong thực hiện chính sách giảm nghèo của cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn 11.920 hộ nghèo, chiếm 7,58% dân số và giảm 1,76% so với năm trước. Nhiều địa phương tuy còn khó khăn nhưng đã “đẩy lùi” được hộ nghèo đáng kể trong năm nay như Thuận Nam giảm 1,71%, Bác Ái giảm 8,27%, Ninh Hải giảm 1,12%...Và một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp như Phan Rang-Tháp Chàm còn 2,94%, Ninh Hải 3,12%...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo, ngoài yếu tố khách quan như hạn hán gây thiệt hại sản xuất, thiếu vốn làm ăn, thiếu đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất… thì chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan như tệ “siêng ăn biếng làm”, không biết cách làm ăn, thiếu ý chí, vướng vào các tệ nạn xã hội… ngoài các trường hợp “bất khả kháng” như ốm đau, già yếu neo đơn. Vấn đề cũng đáng lo ngại là tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh còn khá cao, đến nay vẫn còn đến trên 12.330 hộ, chiếm 7,84% dân số. Đây là “nguy cơ tiềm ẩn” tái nghèo dẫn đến thiếu bền vững trong việc hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm.

Vấn đề đặt ra là để giúp cho các hộ thoát nghèo bền vững, bỏ qua “khu vực” cận nghèo điều đầu tiên vẫn là gắn nâng cao dân trí với dạy nghề, nhất là ở các vùng nghèo, xã nghèo. Thực tế cho thấy, một khi người dân biết nuôi con gì, trồng cây gì trong điều kiện hiện có để đạt hiệu quả thì sẽ cải thiện được thu nhập, đời sống. Tất nhiên, không thể để người dân tự “loay hoay” với quyết tâm suông mà rất cần được hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể như đào tạo nghề, hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi, hợp lý. Mặt khác, đầu tư hạ tầng nông thôn như giao thông, chợ… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, buôn bán sản phẩm làm ra… Dân gian có câu: “Có bột mới gột nên hồ” và các yếu tố trên chính là “bột”, nhất là vốn và kiến thức trong sản xuất, làm kinh tế thì mới “gột” nên được sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Có thể nói, vấn đề này không mới và thực tế các địa phương đã và đang thực hiện và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, điều cũng đáng quan tâm là chính sách của nhà nước mới chỉ là điều kiện “cần” còn điều kiện “ắt có và đủ” đó là quyết tâm thực hiện của các ngành, địa phương cộng với ý chí “tự lực, tự cường” vươn lên để xây dựng “nền tảng” kinh tế cho gia đình của các hộ nghèo và cận nghèo. Có như vậy công cuộc "đẩy lùi" các hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo mới thật sự căn cơ vững chắc.