Bàn về dân chủ trực tiếp trong hiến pháp năm 2013

(NTO) Bên cạnh những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện quyền lực nhà nước…, việc quy định nguyên tắc dân chủ trực tiếp trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là điểm tiến bộ mới của Hiến pháp.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là kết quả của sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, với sự chắt lọc, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học; phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân về mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiến pháp là bản tuyên ngôn, là cam kết của cả dân tộc Việt Nam quyết tâm đưa đất nước tiếp tục vững bước tiến lên trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Không phải là sự bổ sung đơn thuần về mặt từ ngữ, kỹ thuật lập pháp, mà lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, tại Điều 6 Hiến pháp đã ghi nhận về nguyên tắc dân chủ trực tiếp trong việc thực hiện quyền lực của nhân dân. Theo đó, “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. So với Hiến pháp năm 1992 quy định “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” sẽ thấy rằng việc nhân dân có quyền trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình là một điểm tiến bộ có ý nghĩa lớn về mặt lý luận, tư tưởng, thể hiện sự tôn trọng và tạo mọi điều kiện cho nhân dân thực hiện tốt nhất quyền làm chủ của mình.

Nguyên tắc dân chủ trực tiếp được trao cho nhân dân không phải là sự ghi nhận mang tính hình thức, đơn lẻ trong Điều 6 Hiến pháp. Việc phát triển nguyên tắc này được thể hiện nhất quán trong toàn bộ Hiến pháp năm 2013, từ chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đến các thiết chế trong bộ máy nhà nước cũng như trong việc sửa đổi Hiến pháp - đạo luật cơ bản nhất, quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật của một quốc gia, dân tộc.

Tại Chương I – Chế độ chính trị, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục thể hiện xuyên suốt, nhất quán quan điểm về quyền làm chủ của nhân dân “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ, cụ thể là quyền giám sát của mình đối với các cơ quan nhà nước, Hiến pháp còn quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Như vậy, trong sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, nhân dân đứng ở vị trí của người giám sát trực tiếp, đảm bảo cho sự kiểm soát được vận hành theo mục tiêu chung, từ đó đảm bảo hoạt động trơn tru của bộ máy nhà nước. Những cam kết của nhà nước về quyền làm chủ của nhân dân còn được ghi nhận tại Điều 3 Hiến pháp rằng “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Một nội dung cụ thể, phản ánh cô đọng và sâu sắc nhất về quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, đó là quy định về quy trình sửa đổi Hiến pháp. Cụ thể tại Điều 120 Hiến pháp quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”. Đây là một điểm mới quan trọng, thể hiện chủ quyền của Nhân dân. Nhìn ở một góc độ khái quát nhất, dựa trên điểm chung của các hình thức quy định quyền dân chủ của nhân dân trên thế giới thì trưng cầu ý dân có thể hiểu là việc lấy ý kiến của nhân dân nhằm mục đích xác định ý kiến cuối cùng của người nắm giữ quyền làm chủ nhà nước về một vấn đề trọng đại của đất nước như: Lập hiến, lập pháp, đối nội, đối ngoại, đường lối phát triển đất nước... Trưng cầu ý dân không phải là một khái niệm mới trong khoa học pháp lý ở các nước phương Tây. Trưng cầu ý dân là một chế định của nền dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, việc quy định chế định này phụ thuộc vào chế độ chính trị của từng nước. Đối với thể chế chính trị ở nước ta, việc quy định nguyên tắc dân chủ trực tiếp thông qua ý kiến của nhân dân vừa là một sự đột phá trong tư duy lập pháp, vừa khẳng định mạnh mẽ ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc Việt Nam về một khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung vai gánh sức đóng góp, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hiến pháp là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Nguyên tắc dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp một lần nữa khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân (Điều 2 Hiến pháp năm 2013).