HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH LẦN THỨ II:

Khi đồng bào Raglai quyết tâm làm giàu

(NTO) Những năm gần đây, ở tỉnh ta xuất hiện ngày càng có nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi là người đồng bào dân tộc Raglai. “Bí quyết” của họ đơn giản chỉ là thay đổi nhận thức, mạnh dạn và quyết tâm thoát nghèo.

Đồng bào Raglai ở tỉnh ta sống chủ yếu ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, phần lớn đều thiếu đất sản xuất, thời tiết khắc nghiệt cộng với kỹ thuật canh tác còn lạc hậu nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy mà tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, trong đó có việc đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật và hỗ trợ vay vốn. Chúng tôi gặp ông Kator Đống, một trong những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở thôn Chà Đung (xã Phước Thắng, huyện Bác Ái) khi ông đang thăm nước lúa giữa đồng. Gia đình ông hiện đang canh tác trên 2 ha lúa với năng suất mỗi vụ khoảng 5 tấn/ha. Đàn bò trên 10 con, ông vừa bán được gần 100 triệu đồng và đang giữ lại 3 con để tiếp tục phát triển đàn. Vừa dẫn nước vào ruộng, ông chia sẻ: “Nhà mình có của ăn của để như hôm nay là nhờ được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn để đầu tư sản xuất, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác; hỗ trợ giống lúa mới không bị sâu bệnh, năng suất cao… từ khi có nước tưới của hồ Sông Sắt, bà con chuyển sang trồng mì, trồng lúa nước, việc chăn nuôi cũng thuận lợi hơn. Nhà nước đã hỗ trợ nhiều cho người Raglai, nếu mình không chịu tiếp thu để biết cách sản xuất, vẫn để nghèo khó là mình có lỗi với Đảng và Nhà nước”.

 
Đồng bào Raglai huyện Bác Ái đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: V.M

Với suy nghĩ đó nên không chỉ dừng lại ở việc chịu khó học tập, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, đem lại thu nhập cao cho gia đình… ông Kator Đống còn tích cực hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm mình có được cho bà con trong thôn, trong xã. Bởi ông cho rằng, đa số người Raglai hiện nay còn nghèo khó, vất vả một phần là bởi họ còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên không chịu khó học hỏi, áp ụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Cũng nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nhiều chương trình, mô hình dự án khuyến nông, khuyên lâm đã được triển khai tại các địa phương có đồng bào dân tộc Raglai. Riêng ở Bác Ái, các mô hình trồng lúa nước, bắp lai ở các xã Phước Đại, Phước Tiến, Phước Tân, Phước Thắng; thí điểm trồng cây ăn trái tại xã Phước Bình… đang từng bước đem lại sự thay đổi rõ nét. Điều quan trọng khi thực hiện các chương trình, dự án là bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì nhận thức, quyết tâm của người dân là yếu tố quan trọng để đồng bào Raglai vươn lên thoát nghèo. Ông Pi-năng Ngọc, Chủ tịch UBND xã Phước Tân (huyện Bác Ái) cho biết: “Ban đầu triển khai mô hình trồng lúa nước gặp rất nhiều khó khăn vì bà con chỉ quen làm nương rẫy, không quen làm ruộng nước. Nhưng đến nay thì thói quen sản xuất của bà con đã bắt đầu có sự thay đổi: bà con biết cày bừa, bón phân, làm đất, thực hiện lịch gieo, trồng, dẫn nước… đúng mùa vụ theo hướng dẫn của cán bộ xã. Người dân cũng đang dần bỏ tư tưởng sản xuất chỉ để đủ ăn, để cứu đói mà biết vươn xa hơn là có của ăn, của để và tạo điều kiện cho con cái học hành”.

Ở các xã miền núi Phước Kháng, Phước Chiến (huyện Thuận Bắc), Ma Nới (huyện Ninh Sơn)… những năm gần đây cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều nông dân Raglai làm kinh tế giỏi. Khi chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo, làm giàu của mình, họ đều cho rằng sự thay đổi nhận thức, nỗ lực vươn lên là hết sức quan trọng. Những mô hình phát triển kinh tế thành công của người Raglai cũng chính là những mô hình biết tận dụng lợi thế của địa phương như: chăn nuôi bò, nuôi heo đen, trồng lúa, bắp… Điều khác biệt để thành công là họ đã biết thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu bằng việc ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật đã được tập huấn, hướng dẫn vào sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, sự “cầm tay chỉ việc” của cán bộ địa phương thì việc giới thiệu và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của người Raglai cũng có ý nghĩa lớn trong việc thay đổi nhận thức của người dân. Ông Kator Mâu, Bí thư Chi bộ thôn Do (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn) cho biết: “Bà con luôn thấy xa lạ với những cách làm giàu của người Kinh, người Chăm trên ti-vi… nhưng nếu trong thôn có một gia đình trồng lúa có năng suất cao, đàn bò nhanh lớn… thì ai cũng muốn đến hỏi kinh nghiệm để làm theo. Chính vì thế mà thôn Do giờ đã có nhiều hộ chăn nuôi giỏi, đàn bò vài chục con; trồng lúa, bắp, đậu xanh bằng giống mới cho năng suất cao hơn ...

Thực tế cho thấy rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết nhưng nhận thức và quyết tâm của người dân mới là yếu tố quyết định để đồng bào Raglai vươn lên thoát nghèo, nỗ lực làm giàu. Quyết tâm ấy có thể xuất phát từ sự chân tình của đội ngũ cán bộ cơ sở gắn bó với dân, những chính sách hỗ trợ kịp thời… và quan trọng hơn nữa là những phong trào thi đua sản xuất để giới thiệu, nhân rộng cho bà con biết đến những mô hình làm kinh tế, cách chăn nuôi, sản xuất hiệu quả ngay chính trong thôn, xã của mình.