Nội dung đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông

Trong hồ sơ trình Quốc hội, báo cáo của Chính phủ cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (thể hiện trong Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông) sẽ có những nội dung đổi mới chính sau:

1. Chương trình giáo dục sẽ chuyển căn bản từ tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hoà giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp

a) Thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chương trình hướng tới phát triển các năng lực chung và các năng lực chuyên biệt liên quan đến từng lĩnh vực giáo dục/môn học/hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà mọi học sinh đều cần có trong cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện phát triển tốt nhất tiềm năng riêng của mỗi học sinh.

Xác định các mức độ khác nhau của mỗi năng lực tương thích với từng cấp học và từng lĩnh vực giáo dục/môn học/hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

b) Tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hoà cả thể chất và tinh thần. Thực hiện giáo dục toàn diện: đức, trí, thể, mỹ và các kỹ năng cơ bản; rèn luyện, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết và định hướng nghề nghiệp.

Đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội.

c) Mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của chương trình mới được cụ thể hoá bằng chuẩn đầu ra. Đối với giáo dục phổ thông, chuẩn đầu ra từng cấp học bao gồm hệ thống các phẩm chất, năng lực chung và năng lực chuyên biệt, trong đó mỗi năng lực được thể hiện thông qua các tiêu chí, các biểu hiện cụ thể, được sắp xếp theo một lôgic hợp lý.

Đối với các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng cần cụ thể, chi tiết đến cấp, lớp; chuẩn đầu ra về năng lực cần cụ thể đến mức độ nhất định làm cơ sở cho việc lựa chọn và cấu trúc nội dung khi biên soạn sách giáo khoa, xác định phương pháp và hình thức giáo dục, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục.

d) Xác định nội dung cốt lõi của giáo dục phổ thông trong từng môn học theo từng cấp học phù hợp với chuẩn đầu ra làm căn cứ cho việc biên soạn sách giáo khoa, dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục.

2. Nội dung chương trình đảm bảo chuẩn hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế; đảm bảo tính chỉnh thể, linh hoạt, thống nhất trong và giữa các cấp học; tích hợp và phân hoá hợp lý, có hiệu quả

a) Đảm bảo kế thừa những thành tựu của Việt Nam và vận dụng hợp lý kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình. Theo tinh thần này chương trình mới sẽ chủ yếu là kế thừa, có phát triển chương trình hiện hành ở cấp tiểu học nhưng thiết kế mới ở cấp trung học cơ sở và thay đổi căn bản chương trình cấp trung học phổ thông; sẽ ít thay đổi về nội dung và hình thức dạy học nhưng sẽ tăng cường và thay đổi căn bản nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục mang tính trải nghiệm sáng tạo.

b) Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng đảm bảo tiếp nối từ chương trình giáo dục mầm non, đồng thời tạo nền tảng cho chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; đảm bảo liên thông giữa chương trình cấp học, lớp học, giữa các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và trong mỗi môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

c) Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Nội dung giáo dục được lựa chọn là những tri thức cơ bản, đảm bảo vừa hội nhập quốc tế, vừa gắn với thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Cải tiến nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục công dân theo hướng coi trọng các giá trị cơ bản, cốt lõi và nhân văn của đạo lý dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại; giáo dục thể chất và giáo dục thẩm mỹ nhằm phát triển hài hoà thể chất và tinh thần, phát huy năng khiếu và hứng thú riêng của từng học sinh.

Dạy học ngoại ngữ, tin học theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng trực tiếp của người học.

d) Chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Thiết kế chương trình theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm chương trình cấp tiểu học và chương trình cấp trung học cơ sở) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (chương trình cấp trung học phổ thông).

đ) Nội dung giáo dục được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản, phân hoá rõ dần từ cấp tiểu học đến cấp trung học cơ sở và sâu hơn ở cấp trung học phổ thông.

Giảm số lượng môn học bắt buộc trong mỗi cấp học, lớp học và tăng số lượng các môn học, các chuyên đề học tập tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu, định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Học sinh được tự chọn môn học và chuyên đề học tập theo quy định của chương trình, đáp ứng nguyện vọng cá nhân phù hợp với khả năng đáp ứng trong từng giai đoạn phát triển của nhà trường.

3. Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh

a) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, khả năng tư duy độc lập của người học.

Học sinh tự tìm tòi kiến thức, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực thông qua các hoạt động học tập dưới sự chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn của giáo viên; học sinh được trình bày và bảo vệ ý kiến của mình, được lắng nghe và phản biện ý kiến của bạn, nhất là khi tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm sáng tạo; khắc phục lối truyền đạt áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc.

b) Khuyến khích và tạo điều kiện cho việc chuyển hình thức tổ chức giáo dục từ chủ yếu là dạy học trên lớp sang đa dạng hoá hình thức học tập, đồng thời với dạy học trên lớp phải chú trọng các hoạt động xã hội và nghiên cứu khoa học.

Cân đối giữa dạy học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; giữa hoạt động tập thể, nhóm nhỏ và cá nhân; giữa dạy học bắt buộc và dạy học tự chọn để đảm bảo hiệu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục chung, vừa phát triển tiềm năng của cá nhân người học.

c) Tăng cường hiệu quả của các phương tiện dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ đổi mới việc lựa chọn và thiết kế nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

Tạo điều kiện cho học sinh được học tập qua các nguồn học liệu đa dạng, phong phú trong xã hội, nhất là qua Internet... Từ đó phát triển năng lực tự học và chuẩn bị tâm thế cho học tập suốt đời.

4. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh

a) Thi, kiểm tra, đánh giá có vai trò kép: tạo động lực và điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động học, hoạt động quản lý giáo dục; xác nhận sự tiến bộ và thành tích học tập theo chuẩn đầu ra được quy định trong chương trình giáo dục.

Vì vậy, đánh giá chất lương giáo dục phải phản ánh mức độ đạt chuẩn chương trình (của cấp học, môn học); phải cung cấp thông tin đúng, khách quan, kịp thời cho việc điều chỉnh hoạt động dạy, hướng dẫn hoạt động học nhằm nâng cao dần năng lực học sinh.

b) Thực hiện đa dạng phương pháp đánh giá như quan sát, vấn đáp, kiểm tra viết trên giấy, trình bày báo cáo, dự án học tập... Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội.

Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

c) Ngoài việc đánh giá năng lực từng học sinh, bổ sung thêm các hình thức đánh giá chất lượng giáo dục ở cấp quốc gia, cấp địa phương và tham gia các kỳ đánh giá của quốc tế để làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông.

5. Quản lý việc xây dựng và thực hiện chương trình đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp địa phương và đối tượng học sinh

a) Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với sự phát triển năng lực đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục của trường phổ thông. Những trường chưa đầy đủ điều kiện, về cơ bản vẫn có thể vận dụng thực hiện được, cho dù kết quả có thể hạn chế trong một vài năm đầu; những năm sau phải đủ điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình mới.

b) Trên cơ sở chuẩn đầu ra và nội dung cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông, xác định mục tiêu, nội dung giáo dục của trường trung học phổ thông chuyên (giáo dục toàn diện đồng thời phát triển cao nhất năng khiếu riêng của mỗi học sinh), trường trung học phổ thông kỹ thuật (đảm bảo nội dung cốt lõi chương trình giáo dục phổ thông đồng thời đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp nghề) và chương trình giáo dục thường xuyên (bổ túc văn hoá - đảm bảo nội dung cốt lõi chương trình giáo dục phổ thông, phát huy và phù hợp với kinh nghiệm cuộc sống và công việc của học viên).

c) Nội dung giáo dục phải phù hợp với thời lượng dạy học: Ở cấp tiểu học, học cả ngày ở trường nhưng có hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện dạy học một buổi trong ngày; ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, học một buổi trong ngày nhưng có hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục có điều kiện dạy học cả ngày.

d) Dựa trên mục tiêu, chuẩn và nội dung chương trình thống nhất toàn quốc, đảm bảo quyền linh hoạt của các địa phương và nhà trường. Chuyển từ việc các nhà trường thực hiện rập khuôn chương trình sang trao quyền cho các địa phương tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng chương trình của quốc gia trong đó có quy định chuẩn đầu ra, những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc (phần cứng) đồng thời dành thời lượng (khoảng 20%) để các địa phương và nhà trường vận dụng, bổ sung nội dung và điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho phù hợp với điều kiện của mình.

Dựa trên chương trình do cấp trên quy định, nhà trường và giáo viên được quyền tự chủ, sáng tạo về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; các cơ quan quản lý giáo dục địa phương (sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo) hướng dẫn, giám sát các nhà trường quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục hàng năm của nhà trường.

6. Thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để sử dụng thống nhất trong toàn quốc.

Công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa.

Tất cả sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; có thể có nhiều sách giáo khoa được phát hành sau khi thẩm định.

Các nhà trường tổ chức lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện của mình trong số sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt.

Đa dạng hoá các tài liệu dạy học; giáo viên và học sinh có thể vận dụng tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều cách tiếp cận, học tập khác nhau để đạt được mục tiêu và chuẩn của chương trình.

Phát triển các loại tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng loại đối tượng, đáp ứng sự đa dạng vùng miền; đặc biệt chú trọng các tài liệu hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số và học sinh sống ở các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, học sinh khuyết tật.

Từng bước biên soạn thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử ở những nơi có đủ điều kiện.

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại