Phòng chống cận thị học đường

(NTO) Vào tháng 9 hàng năm, khi mùa tựu trường lại đến, thì bên cạnh những nô nức của các em chờ đón ngày gặp mặt thầy cô, bạn bè là những công việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức của nhà trường và bao lo toan cho cơm áo gạo tiền cũng như sức khỏe của các em với mong sao các em có điều kiện học tập tốt và phát triển tốt.

Bệnh Cận thị đang ngày càng trở nên phổ biến và gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo các thống kế khác nhau , ở nước ta tỷ lệ cận thị khoảng 20-60% tùy theo độ tuổi và tùy khu vực thành thị hay nông thôn , trong đó ước tính có gần 3 triệu trẻ em độ tuổi 0-15 tuổi mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó tỷ lệ cận thị chiếm 2 phần 3 và tập trung chủ yếu ở đô thị . Ở Nỉnh Thuận, qua khám sàng lọc của Trung tâm Chuyên khoa Mắt tỉnh tại 42 trường học niên khóa 2013 – 2014, tỷ lệ học sinh cấp 3 mắc cận thị khoảng 10% và học sinh cấp 2 là khoảng 25%. Bệnh cận thị có số lượng học sinh mắc ngày càng nhiều và độ tuổi mắc ngày càng nhỏ là điều rất đáng lo ngại.

Bệnh Cận thị làm cho không nhìn thấy vật ở xa và gây nhiều tác hại như: hạn chế sự phát triển toàn diện của học sinh; hạn chế các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe; hạn chế sự lựa chọn ngành nghề trong cuộc sống, hạn chế một số hoạt động sinh hoạt hàng ngày của học sinh và hạn chế một phần kết quả học tập do mắt chóng bị mỏi, do nhìn bảng không rõ, viết và đọc chậm; dễ bị tai nạn trong lao động, sinh hoạt.

Nguyên nhân: gồm 2 nguyên nhân chính: Cận thị bẩm sinh, những trẻ này độ cận phát triển rất nhanh làm ta dễ nhận biết và cần được khám chữa bệnh sớm. Nguyên nhân thứ 2 gây cận thị mắc phải bao gồm nhiều yếu tố, như: ngồi học sai tư thế đầu cúi quá sát với sách vở, học tập ở nơi thiếu ánh sáng, bàn ghế không phù hợp với độ tuổi học sinh, để trẻ xem TIVI ngồi quá gần dưới 3 mét hoặc xem quá lâu hơn 2 giờ mỗi ngày, chơi game quá nhiều trên các thiết bị điện tử liên tục… có lẽ đây là nguyên nhân chính gây bệnh cận thị học đường hiện nay. Đọc sách ở những nơi thiếu ánh sáng, thiếu vận động thể lực, học tập kéo dài và ít được vui chơi giải trí thể lực, dinh dưỡng không đủ chất, đặc biệt là thiếu vitamin A.

Triệu chứng ban đầu: Những dấu hiệu thường thấy đầu tiên ở các trẻ bị mắc cận thị là hay nheo mắt khi nhìn xa, nhìn bảng và thích ngồi gần TIVI khi xem, khi học bài thường cúi thấp đầu, mắt sát vở sách, thường viết sai lỗi khi chép bài trên bảng, than mõi mệt (mỏi mắt) khi tập trung ngồi học lâu…

Tác hại của bệnh cận thị có nhiều mặt như thẩm mỹ, hạn chế học tập vì chóng mỏi mắt, hạn chế tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế sinh hoạt một số lĩnh vực. Nếu không được đeo kinh chỉnh mắt thì độ cận ngày càng tăng nhiều, có thể dẫn đến biến chứng thoái hóa sắc tố võng mặc, bong võng mạc gây mù lòa.

Điều trị: Khi thấy trẻ em có các biểu hiện đầu tiên: nheo mắt khi nhìn xa, thường chép bài (từ bảng vào vở) có nhiều lỗi, than mỏi mệt khi học tập hơi lâu là nên đưa con đi khám mắt ở các cơ sở chuyên khoa Mắt hoặc Trung tâm chuyên khóa Mắt tỉnh để xác định tình trạng mắt vì có thể trẻ bị loạn thị hoặc cận thị hoặc cận thị nhưng 2 mắt không đều … để được đeo kính chỉnh thị thích hợp. Vì trẻ không quen hoặc thấy vướng hoặc ngại ngùng nên rất ít khi đeo kính thì các phụ huynh nên thường nhắc các em nên đeo kính thường xuyên để giúp mắt bớt điều tiết và hạn chế tăng độ. Quan niệm đeo kính nhiều sẽ làm tăng độ cận là không đúng.

Phòng bệnh:

- Lưu ý: bệnh cận thị ở trẻ em dù được chỉnh thị có hiệu quả bằng đeo kính nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh cận thị chưa được hạn chế hoặc loại trừ thì tình trạng mắt vẫn sẽ tiếp xấu dần đi, do vậy cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

- Tăng cường vệ sinh mắt, vệ sinh kính hàng ngày để phòng nhiễm khuẩn mắt;

- Chỉnh sửa lại tư thế ngồi đọc sách: lưng thẳng, đầu chỉ cúi tối đa 30o, mắt cách sách 35 – 40cm, 2 tay để trên bàn; Xin nói thêm các thầy cô và nhà trường lưu ý cho việc chỉnh sửa tư thế học sinh và sử dụng bàn, ghế phù hợp với độ tuổi, vì kích cở bàn ghế không phù hợp thì ngoài việc mắc bệnh cận thị thì còn mắc nhiều bệnh khác như cong vẹo cột sống.

- Xóa trường học tạm, đầu tư trường học đạt chuẩn về cơ sở, đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp lứa tuổi, bảng viết phải đạt chuẩn, sân chơi rộng, có cây xanh đủ mát để các em vận động trong giờ nghỉ.

- Sắp xếp lại chế độ sinh hoạt: học tập, đọc sách khoảng 45 phút thì cho mắt nghỉ bằng cách: nhìn ngắm vật ở xa, Mát-xa mắt, đi lại cho thư giản; không cho trẻ xem TIVI hơn 2 tiếng / ngày hoặc chơi game trên máy tính, máy tính bảng, IPAD, điện thoại di động…;

- Tăng cường thể dục cho trẻ: cha mẹ nên cùng con tập thể dục để trẻ bắt chước thành thói quen chứ không chỉ dùng lời khuyên bảo trẻ sẽ không tập bền;

- Chế độ ăn giàu vitamin A như ăn cá thường xuyên, gan,trứng, các loại rau xậm màu, quả có màu vàng (đu đủ, cà rốt, xoài, cà chua,… ). Nhưng phải có ý kiến của thầy thuốc và thực hiện đúng hướng dẫn khi sử dụng dầu gấc, dầu cá, vitamin A vì khả năng thừa và tích lũy vitamin A là không tốt.