Vấn đề hôm nay:

Tính “đa nghi” của người tiêu dùng!

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh thời gian qua, theo đánh giá chung có thể nói y tế là một trong những ngành thực hiện khá nghiêm túc và đạt kết quả cao. Ngành đã chủ động triển khai, quán triệt các chỉ thị, kế hoạch… của Trung ương và của tỉnh về Cuộc vận động nói trên đến các cơ sở điều trị trong tỉnh và đội ngũ thầy thuốc nhất là việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước (thuốc nội) điều trị cho bệnh nhân. Theo báo cáo của ngành, từ năm 2009 đến nay tuyến huyện, xã tỷ lệ thuốc nội được chỉ định điều trị chiếm từ 84% đến 93%, tuyến tỉnh chiếm từ 51 đến 56% và bình quân toàn tỉnh sử dụng thuốc nội chiếm từ 56-65%, cao hơn so với bình quân toàn quốc mới đạt từ 34-47%. Ngoài ra, ngành còn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mở rộng mạng lưới bán thuốc, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Theo đó, nếu như năm 2009 toàn tỉnh chỉ có 178 điểm kinh doanh thì đến nay đã tăng lên 250 điểm. Và cũng chính hệ thống này đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá, giới thiệu… thuốc nội đến người sử dụng trong cộng đồng. Theo ước tính của ngành, trong tổng giá trị tiền thuốc sử dụng không dưới 157 tỷ dồng/năm thì thuốc nội đã chiếm gần 95% …

Các tổ chức từ thiện sử dụng thuốc nội trong việc khám, điều trị cho bệnh nhân.
Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tâm lý sử dụng mặt hàng thuốc ngoại vẫn còn “ngự trị” trong tâm thức của nhiều người. Ngoài yếu tố tâm lý cho rằng thuốc ngoại chất lượng cao hơn, điều trị hiệu quả hơn, dù rằng giá cũng… cao hơn thì “chiêu” đầu tư cho khâu quảng cáo khá “mạnh tay” của nhà sản xuất cùng với tỷ lệ hoa hồng được đưa ra quá hấp dẫn cho thầy thuốc trong việc chỉ định điều trị cũng là yếu tố “gây khó” cho hàng nội. Không những vậy, do thuốc sản xuất trong nước giá rẻ hơn thuốc ngoại, có loại thuốc cùng hàm lượng như nhau nhưng rẻ hơn gấp hai, ba lần so với thuốc ngoại… cho nên cũng tạo tâm lý “hoài nghi” về chất lượng đối với người có nhu cầu sử dụng. Mặt khác, theo một số thầy thuốc cho biết là có không ít loại thuốc nội được sản xuất nhưng chưa chứng minh và cung cấp các luận cứ khoa học về chất lượng … nên làm cho người thầy thuốc còn “bán tín, bán nghi” mỗi khi kê toa cho người bệnh và “an toàn” nhất là chỉ định dùng hàng… ngoại cho chắc!

Con đường từ sản xuất đến tiêu dùng trong điều kiện thị trường “mở” với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng nên không phải đơn giản là chỉ “cung” những gì nhà sản xuất có mà đúng ra là cần đáp ứng những mặt hàng người tiêu dùng cần thông qua quảng cáo, quảng bá, giới thiệu… để khẳng định niềm tin bằng chất lượng tốt nhất. Từ cách làm của các hãng thuốc ngoại thiết nghĩ thuốc nội cũng cần cân nhắc, học tập… để vươn đến kết nối “nhịp cầu” niềm tin trong người tiêu dùng.