Tái cơ cấu nền kinh tế: Phải chỉ rõ trách nhiệm từng cấp

Sáng 1-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

 

Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, nhìn tổng thể 3 năm, các cân đối lớn của nền kinh tế đạt được kết quả tích cực hơn. Cân đối tiết kiệm – đầu tư có chuyển biến rõ rệt, tổng tiết kiệm luôn bằng hoặc cao hơn tổng đầu tư. Cân đối cung cầu hàng hóa bảo đảm. Cân đối lương thực tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu an ninh lương thực, đồng thời tăng số lượng xuất khẩu hàng năm. Cân đối điện đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và có dự phòng. Cán cân vãng lại, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư liên tục 3 năm liền. Cân đối lao động và việc làm được đảm bảo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến khá tích cực, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011 - 2013 giảm từ 20,08% xuống còn 18,38%; tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ từ 79,92% lên 81,62% GDP.

Một số chỉ tiêu xã hội đạt kết quả tích cực. Chính sách an sinh xã hội đảm bảo, triển khai các chính sách người có công kịp thời, chính sách bảo hiểm toàn dân triển khai sâu rộng đến người dân, thu nhập bình quân của dân cư tăng lên...

Tuy nhiên, Báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng quá trình thực hiện tái cơ cấu cũng bộc lộ những hạn chế như: tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp trong cơ cấu GDP không thay đổi nhiều; việc phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ chưa có lộ trình rõ ràng; tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức cao; tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra và thuộc nhóm năng suất lao động thấp nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương...

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát nhận định, việc đạt được mục tiêu “bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế” vào cuối kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 là hết sức khó khăn, kết quả này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Cũng trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở khuôn khổ pháp lý mang tính nền tảng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế. Kiên trì thực hiện mục tiêu, hệ thống chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, trong đó cần triển khai mạnh các giải pháp để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, kiểm soát mức lạm phát hàng năm không quá thấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; bảo đảm tỷ trọng tổng đầu tư toàn xã hội trong GDP tăng khả năng thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân...

Đoàn giám sát cũng kiến nghị xây dựng, triển khai các đề án cụ thể và hệ thống chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư tư nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, phát triển đô thị, làm căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu sớm dỡ bỏ trần lãi suất, trần tăng trưởng dư nợ tín dụng mà thông qua các công cụ gián tiếp để can thiệp phù hợp quan hệ cung – cầu thị trường; tách bạch chính sách tín dụng theo định hướng của Nhà nước với chính sách tín dụng thương mại....

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phân tích rõ, tái cơ cấu ở đây không phải là tái cơ cấu trong kiểu chuyển dịch mà là đổi mới mô hình. Trong quá trình đó, có trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và của mỗi bộ, ngành trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, ông đánh giá, dù phản ánh sinh động thực trạng, nhưng báo cáo giám sát chưa làm rõ trách nhiệm của từng cấp.

“Điều đầu tiên mà đại biểu Quốc hội quan tâm khi nghe báo cáo giám sát là trách nhiệm. Trách nhiệm từng cấp một đến đâu? Có thể không chỉ được trách nhiệm của từng bộ, ngành thì cũng phải chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương đến đâu? Giám sát phải chỉ ra được cái đó” – ông nhấn mạnh.

Theo chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Quốc hội đã ra Nghị quyết về tái cơ cấu năm 2011, năm 2013, Chính phủ mới trình Đề án nhưng đến nay cũng mới triển khai thực hiện chưa được bao lâu. Theo ông, ngay từ đầu việc thực hiện đề án chưa cương quyết, ngại nói về trách nhiệm, nặng nhất cũng chỉ phê bình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, cần đánh giá cụ thể và đánh giá chung xem việc tiến hành tái cơ cấu đã đáp ứng yêu cầu chưa? Độ tin cậy của số liệu trong các báo cáo như thế nào, Đoàn giám sát đã thẩm tra chưa, hay chỉ dựa vào báo cáo của Chính phủ?

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng: Nên cân nhắc với đề xuất của Đoàn giám sát về vấn đề lạm phát. “Thực tế khó đưa ra con số tương đồng giữa lạm phát và tốc độ tăng trưởng nhưng chưa nên đánh giá vì lạm phát thấp mà ảnh hưởng đến tăng trưởng” – Thứ trưởng nói.

Về những kiến nghị với hệ thống ngân hàng của Đoàn giám sát, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Ngọc cho rằng: Việc kiến nghị gỡ trần lãi suất là hợp lý. Theo bà, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã và đang làm theo hướng đó, trong 3 năm qua, trên cơ sở những giải pháp của ngành thì trần lãi suất đã dần được gỡ bỏ./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam