Vai trò cô đỡ thôn bản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở miền núi

(NTO) Với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ cô đỡ thôn bản (CĐTB), thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) ở vùng miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ phụ nữ đến khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế ngày càng tăng, tỷ lệ sản phụ mắc tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh giảm đáng kể.

 
Các cô đỡ thôn bản thường xuyên được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ.

Hiện nay, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tỉnh ta trên 184.000 người. Tại các thôn vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do địa hình, giao thông đi lại khó khăn nên việc tiếp cận các dịch vụ về làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh còn hạn chế. Trước tình hình đó, từ năm 2006 đến nay, ngành Y tế đã đào tạo 72 CĐTB là dân tộc thiểu số, trong đó có 61 CĐTB đang hoạt động thường xuyên nhằm góp phần nâng cao SKSS cho chị em miền núi. Đa số các CĐTB đều kiêm luôn nhiệm vụ cán bộ y tế thôn nên ngoài việc thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS tại địa bàn phân công như đỡ đẻ, khám thai; tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc trẻ sơ sinh;… đội ngũ này còn tham gia các hoạt động vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Là địa bàn miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc quan tâm đến SKSS ở huyện Bác Ái còn nhiều hạn chế. Toàn huyện hiện có 25 CĐTB hoạt động ở 38 thôn. Trong 9 tháng qua, CĐTB trên địa bàn thực hiện khám thai cho 426 phụ nữ; tư vấn cho 266 bà mẹ trước sinh và 152 bà mẹ sau sinh; chăm sóc 258 bà mẹ và trẻ sơ sinh… Chị Chamaléa Thị Ánh, xã Phước Thành cho biết: Trong thời kỳ mang thai, do không có phương tiện đến trạm y tế, CĐTB đến tận nhà khám thai đầy đủ 3 lần, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ sau sinh. Nhận nhiệm vụ của CĐTB, kiêm cán bộ y tế thôn Trà Co 1 (xã Phước Tiến, Bác Ái), chị Ka-tơ Thị Tấn luôn nhiệt tình, tích cực đi đến từng nhà phụ nữ có thai trong thôn để tư vấn cho chị em về cách chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai, khám khai định kỳ và khi sinh phải đến trạm y tế cho an toàn. Là người ở địa phương, nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình, nên khi đi tuyên truyền, vận động, bà con rất tin tưởng và thực hiện làm theo, vì vậy đã hạn chế các tai biến sản khoa xảy ra đối với các bà mẹ khi sinh.

Chị Nguyễn Đỗ Vân Đoan, cán bộ phụ trách CĐTB, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: Mạng lưới CĐTB thực sự là “kênh truyền thông” hiệu quả, cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS, chăm sóc trẻ sơ sinh đến người dân; hạn chế trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.