Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Dự án Tăng cường tính sẵn sàng cho hành động giảm thiểu khí nhà kính phù hợp với quốc gia (NAMA) sẽ chi 770.000 USD để xây dựng năng lực cho hệ thống lương thực và năng lượng tích hợp tại Việt Nam.

Trong đó, 700.000 USD hỗ trợ từ UN One Plan, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 70.000 USD. Thông tin trên được Ban Quản lý dự án cho biết tại hội thảo Tổ công tác NAMA nông nghiệp và tham vấn báo cáo phát triển bền vững do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức ngày 29-9 tại Hà Nội. 

Dự án này nhằm cải thiện và tăng cường cho các cơ quan về sự cần thiết phát triển NAMA trong nông nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Theo đó, các khóa đào tạo được thiết kế để hỗ trợ cho những người thực hành, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý về xây dựng kế hoạch NAMA quốc gia, công cụ và phương pháp ước tính phát thải khí nhà kính và mô hình hóa. Những biện pháp thành công và những nghiên cứu khoa học nổi bật sẽ được chia sẻ, hỗ trợ cho hoạch định chính sách.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, việc xây dựng các phương án giảm nhẹ khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp có một vai trò rất quan trọng.

Ngành Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu, mà còn là ngành gây ra phát thải nhà kính rất lớn. Nông nghiệp chiếm 43,1% tổng lượng phát thải nhà kính quốc gia, trong đó canh tác cây lúa nước chiếm 57,3%.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để hỗ trợ cho hoạt động thiết thực giảm phát thải nhà kính, Bộ NN&PTNT đã ký quyết định thành lập Tổ công tác NAMA để tư vấn, hỗ trợ cho các đơn vị thuộc Bộ, cũng như thúc đẩy triển khai các hoạt động giảm thiểu phát thải nhà kính phù hợp với quy mô quốc gia và từng bước kết nối các hoạt động giảm phát thải nhà kính trong nông nghiệp với quốc tế.

Đồng thời, đây cũng là kênh tiếp nhận tăng cường năng lực cán bộ, chuyên gia của ngành nông nghiệp thông qua các hoạt động của dự án.

Theo đại diện FAO, ông Jonh Habe, để có sự thành công trong việc giảm phát thải khí nhà kính phải có sự phối hợp liên ngành, các cấp lãnh đạo phải có những quyết định, hành động mạnh mẽ. Các thành viên của NAMA sẽ là đầu mối để nông nghiệp phát triển bền vững hơn nữa.

Ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ công tác NAMA cho biết: Nhóm công tác NAMA nông nghiệp giúp tăng cường công tác điều phối giữa các cục/vụ/viện về xây dựng kế hoạch và hoàn thiện các đề xuất và công cụ cho NAMA.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xác định những ưu tiên cho các hệ thống sản xuất lương thực và năng lượng tổng hợp gồm khả năng phù hợp của các hệ thống này trong phát triển kinh tế quy mô hộ nông dân; tính bền vững về xã hội và môi trường và tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính.

Nguồn www.chinhphu.vn