Phát huy hiệu quả công tác của lực lượng Công an xã

(NTO) Lực lượng Công an xã (CAX) có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội đảm bảo ANTT ở cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng CAX vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do các điều kiện về cơ sở vật chất cùng các chế độ, chính sách chưa thực sự được đảm bảo.

Toàn tỉnh hiện có 47 Ban CAX. Những năm gần đây, lực lượng CAX đã được quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác chuyên môn và hoạt động nghiệp vụ... Tuy nhiên, nhìn chung điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác cho lực lượng CAX còn nhiều thiếu thốn. Theo thống kê, hiện nay, 47 Ban CAX trong tỉnh đều chưa có nhà làm việc độc lập. Anh Võ Ngọc Tịnh, Trưởng CAX Bắc Phong (Thuận Bắc) cho biết, hiện tại, 2 phòng làm việc của Ban CAX được bố trí chung trong trụ sở UBND xã, trong dãy nhà cấp bốn trong tình trạng xuống cấp nặng. Do thiếu bàn ghế, Ban CAX phải sử dụng lại những bàn ghế cũ và mượn thêm một số bàn từ phòng hội trường của xã để làm việc.

Công an xã Phước Thành hướng dẫn người dân đăng ký hộ khẩu.

Bên cạnh đó, chế độ, chính sách dành cho lực lượng CAX cũng đáng lưu tâm. Một số cán bộ CAX bị thương trong khi làm nhiệm vụ nhưng do chưa được quy định cụ thể và nhiều lý do khác nhau, trong thời gian dài vẫn chưa được giải quyết chế độ. Anh Phạm Ngọc Sanh, Trưởng CAX xã Phước Thành (Bác Ái) chia sẻ, hiện nay chế độ, chính sách dành cho lực lượng CAX còn rất hạn chế. Trừ trưởng CAX được hưởng lương và các chế độ phụ cấp theo quy định về công chức cấp xã, các đối tượng bán chuyên trách chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mức phụ cấp hàng tháng còn thấp. So với mức lương cơ sở, Phó trưởng CAX hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng hệ số 1.0 (hơn 1 triệu đồng), CA viên ở các thôn chỉ hưởng chế độ phụ cấp theo Phó trưởng thôn, hệ số 0.9 (khoảng 950 nghìn đồng). Trong điều kiện kinh tế ở các xã miền núi còn nhiều khó khăn, kinh phí hoạt động dành cho lực lượng CAX từ nguồn ngân sách địa phương vì thế cũng rất hạn hẹp. Chung tâm tư với anh Sanh, Phó trưởng CA xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) Võ Thái Việt cho biết thêm: “Không chỉ đóng vai trò nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở, CAX còn phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, bộ đội biên phòng tham gia công tác bảo vệ rừng, biển. Phụ trách địa bàn khá rộng, lại đảm nhận nhiều công việc trong khi chế độ đãi ngộ còn thấp, khiến hoạt động của lực lượng CAX gặp vô vàn khó khăn.”

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng CAX Phước Vinh (Ninh Phước) cho biết: Nếu như lực lượng CAX chúng tôi không được UBND xã tạo điều kiện tham gia Tổ thủy nông, thực hiện điều tiết nước tưới từ hồ Lanh Ra thì quả thực vô cùng khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động... Trên thực tế, nguồn kinh phí hoạt động của CAX chủ yếu do UBND xã cân đối, cấp cho CAX. Một số xã được quan tâm trích một phần từ nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về ANTT của xã, kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông của huyện để hỗ trợ CAX hoạt động.

Mới đây, UBND tỉnh ra Quyết định Số 56/2014/QĐ-UBND về việc “Ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng CAX trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2014 - 2020”. Trong đó đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo điều kiện, củng cố, kiện toàn lực lượng CAX. Hy vọng trong thời gian tới, các điều kiện về cơ sở vật chất cùng các chế độ, chính sách, cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ cho lực lượng CAX sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng CAX.