Vai trò công tác Mặt trận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Phước

(NTO) Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Ninh Phước và các tổ chức thành viên đã phối hợp phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các cuộc vận động, đặc biệt thông qua các dự án của Chính phủ, các tổ chức kinh tế đã hỗ trợ vốn giúp bà con đồng bào các DTTS về sản xuất, xây dựng nhà ở, nước sinh hoạt. . .

Trong sản xuất, MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động những hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như phối hợp với các ngành chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Điển hình là các xã Phước Thái, Phước Hữu, Phước Hậu, Phước Thuận vận động đồng bào các DTTS ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình trồng lúa “1 phải 5 giảm”, thực hiện mô hình trồng nho, táo kết hợp với chăn nuôi. Đối với các ngành nghề truyền thống trong đồng bào DTTS như các làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ (thị trấn Phước Dân), nghề đan lát của dân tộc Raglai ở thôn Tà Dương (xã Phước Thái), Liên Sơn 2 (xã Phước Vinh) được khôi phục và phát triển. Hiện nay, HTX làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp đã đi vào hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Nhiều hộ đã đầu tư cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh, phục vụ khách du lịch, hội chợ; góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự mình vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Nghề dệt thổ cẩm Chăm ở Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân).

Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp MT tổ chức triển khai chặt chẽ bằng cách lồng ghép, cụ thể hóa 5 nội dung của cuộc vận động phù hợp với điều kiện từng khu dân cư để tổ chức thực hiện. Hằng năm, đã thu hút các vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, những vị có uy tín trong đồng bào DTTS và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Tính đến nay toàn huyện đã phát động và xây dựng được 22/22 thôn, khu phố văn hóa, trong đó có 8 thôn, khu phố của đồng bào DTTS đã công nhận danh hiệu văn hóa; 85% số hộ DSTTS được công nhận gia đình văn hóa. Bản sắc văn hóa các dân tộc được khai thác và phát triển, các ngày lễ hội Katê, Ramưwan của đồng bào Chăm, cúng đầu mùa của dân tộc Raglai được giữ gìn và duy trì; hằng năm các đền, tháp, thánh đường được các cấp, các ngành quan tâm duy tu. Những tập tục lạc hậu tự phát gây lãng phí tiền của, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe trong đồng bào DTTS được vận động xóa bỏ để xây dựng nếp sống mới văn minh lành mạnh. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh trong vùng đồng bào dân tộc Chăm, đã giúp đỡ và động viên con cháu có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập, điển hình như: Tộc họ ông Phú Văn Điền ở thôn Hữu Đức (Phước Hữu), ông Lưu Văn Liễu ở thôn Hoài Trung (Phước Thái). . .

Gốm Chăm Bàu Trúc  đã giúp nhiều hộ dân tộc Chăm ổn định đời sống.

Gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cuộc vận động trên cũng đang phát triển với việc hình thành 181 tộc họ tự quản về an ninh trong toàn huyện, trong đó có 168 tộc họ Chăm và đã có 42 tộc họ xây dựng quy ước hoạt động, có quy định riêng về an ninh trật tự. Đây được coi là những nhân tố tích cực để đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở Ninh Phước. Gần đây, các mô hình tự quản đã cung cấp 120 nguồn tin có giá trị giúp Công an điều tra làm rõ một số vụ trộm cắp, cướp giật tài sản, các vụ gây rối an ninh trật tự…Ngoài ra còn phối hợp với chính quyền tham gia giải quyết 126 vụ việc về an ninh trật tự, hòa giải thành 150 vụ mâu thuẫn lớn nhỏ trong khu dân cư, nhận cảm hóa giáo dục 25 con em vi phạm pháp luật. Nổi bật là tộc họ Cà Ná ở thôn Hậu Sanh (Phước Hữu), tộc họ Hán Văn Thẹo ở thôn Như Bình (Phước Thái), tộc họ Kiều Dách ở thôn Thành Tín (Phước Hải) và nhiều tộc họ khác... đã góp phần giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Những kết quả đạt được nêu trên đã khẳng định sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc ở huyện Ninh Phước. Đồng chí Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ninh Phước cho biết: “Bài học kinh nghiệm rút ra qua công tác MT ở vùng đồng bào các DTTS là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, làm cho dân hiểu, dân hưởng ứng, dân đồng thuận, đặc biệt là phải phát huy vai trò các vị chức sắc tôn giáo và những người uy tín trong đồng bào các DTTS mới có thể tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay”.