Bác Hồ viết báo về bình đẳng giới

Không ai biết chính xác Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu nghĩ đến cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ từ khi nào, song những bút tích Người để lại cho thấy Người viết về đề tài này từ rất sớm.

 
Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc (1959). Ảnh tư liệu

Thân phận của người phụ nữ An Nam (nay là Việt Nam) dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến cũ đã xuất hiện trong những bài viết từ rất sớm của Người. Năm 1922, Người có bài viết chuyên về đề tài này với nhan đề "Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp" đăng trên báo Le Paria, số 5, ngày 1/8/1922, trong đó bóc trần thực tế đối xử tàn bạo của chế độ thực dân đối với phụ nữ nước ta dưới vỏ bọc "văn minh", "tự do", "công lý".

Năm 1926, người viết tại Quảng Châu, Trung Quốc bài viết "Mục dành cho phụ nữ: Về sự bất công" mà chỉ qua vài dòng ngắn ngủi lột tả được sự bất công về giới cao độ trong xã hội Việt Nam thời đó và kết luận bằng một lời hiệu triệu kêu gọi phụ nữ đứng lên đòi các quyền chính đáng của mình.

Bài báo viết: Đại Đức Khổng Tử nói: Chồng phải dạy vợ.

Đức Mạnh Tử lại lưu ý rằng: Đàn bà và trẻ con khó dạy bảo: Nếu cho họ gần thì họ khinh nhờn; nếu bỏ mặc họ thì họ thù oán.

Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái: "Gà mái gáy báo sáng là điềm gở cho cả gia đình".

Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp.

Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?

MỘNG LIÊN (bí danh của Hồ Chí Minh)

Trích Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 2, trang 448

Tính chất vĩ đại của ý tưởng đấu tranh giải phóng phụ nữ của Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ nó có trước Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ được Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18/12/1979 đến 53 năm, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Người.

Sự vĩ đại còn lớn hơn nữa khi ta đặt bài viết vào bối cảnh năm 1926, khi Người còn chưa phải là lãnh tụ được mọi người thừa nhận, khi bản thân Người có lẽ chưa có cơm ăn, áo mặc đầy đủ; khi phần lớn các trí thức yêu nước Việt Nam thời đó chỉ nghĩ đến giải phóng dân tộc chứ chưa nghĩ đến giải phóng phụ nữ. Và đặc biệt, khi tác giả là một nam giới chứ không phải một phụ nữ.

“Tuyên ngôn” về bình đẳng giới

Trong rất nhiều bài viết về phụ nữ trong cuộc đời cách mạng của Người, người viết đặc biệt chú ý đến 2 bài viết rất quan trọng về phụ nữ của Người, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng về bình đẳng giới.

Năm 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đang trong thời kỳ đầy khó khăn, thách thức, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Người đã viết bài "Nam nữ bình quyền" (Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1970, tr. 31), nêu rõ thực chất cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ ở Việt Nam và gọi đó là “một cuộc cách mạng khá to và khó”. Người chỉ ra "vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật".

Bài báo có nội dung như sau:

Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to!

Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó.

Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội.

...

Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công.

Có thể nói bài viết này của Người là một tuyên ngôn rõ ràng nhất, đầy đủ nhất, súc tích nhất về bình đẳng giới dù Người không dùng những từ này.

Mãi 54 năm sau, tư tưởng này của Người mới được thể hiện đầy đủ trong Luật Bình đẳng giới (được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2006).

Một bài viết quan trọng khác của Người là về phòng chống bạo lực gia đình chống lại phụ nữ.

Tháng 10/1960, Người viết bài "Phải thực sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ" đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 23/10/1960. Trong bài viết ngắn ngủi này, Người đã khẳng định "Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ". Người đưa ra nhiều bằng chứng thực tế về bạo lực gia đình, liệt kê có tính chất định nghĩa nhiều dạng bạo lực gia đình mà mãi đến năm 2007 mới được đưa vào Luật Phòng chống bạo lực gia đình, gọi đó là "những cử chỉ tàn nhẫn dã man" và chỉ ra các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình mà ngày nay còn nguyên giá trị.

Tư tưởng cốt lõi của bài viết này mãi 33 năm sau mới được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1993.

Cũng phải mất đến 47 năm sau, tư tưởng này mới được thể hiện trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình của Việt Nam (năm 2007).

Bài báo của Người là mẫu mực của lối tư duy dựa trên bằng chứng, cách tiếp cận liên ngành, đa cấp độ đối với một vấn đề xã hội phức tạp.

Nếu ta nhớ lại bối cảnh năm 1960, khi đất nước còn bị chia cắt, khi sự nghiệp giải phóng dân tộc mới đi được một nửa, khi đất nước còn bộn bề khó khăn cần lãnh tụ tập trung giải quyết, ta mới thấy hết sự vĩ đại của tư duy và tính nhân văn của Người khi nghĩ về đời sống phụ nữ Việt Nam và vai trò của họ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ngày nay, dù Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực gần chục năm, song nhiều người còn chưa hiểu và chưa ủng hộ việc thực hiện các luật này. Phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong gia đình, trong cộng đồng, trong các cơ quan Nhà nước, và trong xã hội. Vẫn có rất ít phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp. Bạo lực gia đình vẫn tiếp tục là mối đe dọa về nhân phẩm, sức khỏe, thậm chí tính mạng của nhiều phụ nữ.

Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị, vẫn có tính thời sự. Cuộc cách mạng "nam nữ bình quyền" mà Người khởi xướng vẫn đang thôi thúc "từng người, từng gia đình, đến toàn dân" thực hiện. Người viết cũng thấm nhuần niềm tin sắt đá của Bác Hồ là cuộc cách mạng này "dù to và khó nhưng nhất định thành công".

Nguồn chinhphu.vn