Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 30-8

* Sự kiện:

- Ngày 30-8-1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập.Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe và hỏi ý kiến, Người nói: trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy.

- Ngày 30-8-1958: Thăm Nhà máy Cơ khí Hà Nội (nay là Nhà máy Chế tạo máy công cụ số 1), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen nhà máy đã có nhiều cố gắng và chê công việc sản xuất ở đây chưa tốt, chưa hoàn thành được kế hoạch. Người nhắc nhở mọi người cần nhận rõ trách nhiệm làm chủ để ra sức sản xuất, quản lý tốt nhà máy, giữ vững kỷ luật lao động, đề cao tinh thần cảnh giác và chú ý học tập kinh nghiệm tiên tiến của các nước anh em.

- Ngày 30-8-1969: tình hình sức khỏe của Bác diễn biến rất xấu. Buổi chiều, khi tỉnh lại, Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về công việc chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh và căn dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”. Bác còn hỏi han tình hình nước sông Hồng và nhắc nhở phải chú ý đề phòng lũ lụt...

- Ngày 30-8-1977: Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 228-CP về việc thành lập thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngày 6-11-1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Ngày 15-7-2003, Thủ tướng ký Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg công nhận thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I. Thành phố Đà Nẵng hiện có diện tích tự nhiên 1.283,42km2, dân số gần 950.700 người (năm 2011), có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và 2 huyện: Hòa Vang và Hoàng Sa có 56 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 45 phường và 11 xã).

- Ngày 30-8-2007: Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng thành phố Huế thành phố Festival.Theo Quyết định số 143/2007/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sẽ xây dựng thành phố Festival Huế mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam, xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hòa. Đồng thời, khẳng định thành phố Festival Huế là động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Từ thành công của Festival Huế năm 2000, đã tạo tiền đề cho các kỳ Festival tiếp theo, định kỳ 2 năm một lần, từng bước khẳng định thương hiệu Festival Huế khẳng định năng lực tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội mang tầm khu vực và quốc tế, để xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam.

* Nhân vật:

- Ngày 30-8-1945: Hoàng đế Bảo Đại - nhà vua cuối cùng nhà Nguyễn thoái vị.Vua Bảo Đại tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (con độc nhất của vua Khải Định), sinh ngày 23-9 năm Quí Sửu (tức ngày 22-10-1913). Bảo Đại là vị hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, và là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ tại Việt Nam. Ông thoái vị lúc 32 tuổi và làm vua được 19 năm. Lễ thoái vị chính thức của vua Bảo Đại diễn ra tại Ngọ Môn (Huế) sau khi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước thắng lợi. Tại buổi lễ, đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tuyên bố chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại và nhận ấn, kiếm của nhà vua giao nộp cho Chính phủ trước sự chứng kiến của hàng vạn nhân dân Thừa Thiên - Huế.

Theo TTXVN