Hội xuân Sơn Hải - Nét văn hóa dân gian vùng biển

(NTO) Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, làng chài Sơn Hải thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam tổ chức Hội Xuân trong 3 ngày từ mồng 3 đến mồng 5 Tết với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi gồm các trò chơi dân gian như: bơi cạn, kéo co, đua thuyền, bóng chuyền trên cát, giăng trò, hè cù… trong đó, hè cù là loại hình trò chơi chỉ có ở Sơn Hải mà không nơi nào có, nó không chỉ được xem là một trò chơi dân gian đơn thuần mà còn được gọi là “Lễ hội Hè cù”.

Trước khi đi vào tổ chức Hội Xuân, đều có cúng “Ra Lệ” theo truyền thống vào mồng 3 Tết gồm lễ vật gà, hoa quả, bánh trái giản đơn. Những vật dụng dùng trong các trò chơi dân gian ngày xuân đều được cất giữ cẩn thận tại đình làng cho đến ngày mồng 3 cúng “Ra Lệ” mới được đưa ra. Địa điểm tổ chức Hội Xuân là sân bãi bên bờ biển trước Lăng Ông Nam Hải và họng cửa bến ghe (ngày nay thuộc 2 thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2), là nơi có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân theo nghề biển ở đây, quyết định mọi sự thành công hay thất bại cho những chuyến ra khơi.

Các bậc bô lão tổ chức lễ cúng trước khi bước vào hội thi.

Hội Xuân Sơn Hải được mở không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh trong ngày xuân mà còn có ý nghĩa tâm linh, là một sự khởi đầu cho một năm mới theo phong tục tín ngưỡng với những mong muốn mọi sự suôn sẻ, tốt đẹp, cầu cho may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cá về đầy ghe thuyền, nhân dân no đủ. Do đó, các trò chơi không đặt mục đích hơn, thua làm chính, thậm chí có môn phải thực hiện theo lệ: đội đỏ luôn luôn thắng (như môn “Hè cù”) vì theo quan niệm dân gian, màu đỏ là màu may mắn. Hoặc trước khi vào thi đấu thì có đấu lệ và trong đấu lệ đội thắng phải luôn là đội đỏ hoặc không ai thắng, như môn vật, cặp đấu lệ không ai được ngã. Trong đấu vật, cặp đấu lệ là cặp được chọn trước, phải là hai thanh niên khỏe mạnh, lực lưỡng, có tên tốt và gia đình, nhân thân tốt, trong năm không gặp vấn đề gì kiêng kỵ. Sau đấu lệ người ta tổ chức thi đấu bình thường theo thể lệ qui định, ai cũng có quyền tham gia và có giải thưởng cho người thắng cuộc.

Các vận động viên thi bơi cạn.

Các vận động viên thi vật.

Các môn chơi đều mang nét văn hóa đặc sắc vùng biển rõ rệt: tất cả được tổ chức trên cát và trên nước ngay bên biển. Ngày nay, còn có thêm một số môn chơi mới nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa biển như môn bóng chuyền bãi biển… Môn bơi cạn trên cát cũng là một đặc trưng. Môn này không có đấu lệ, ai về nhất sẽ là người thắng cuộc, tuy nhiên, trên đường đua, người ta có quyền thưởng nóng tự do dọc đường nhưng nếu mãi mê nhận thưởng người đua sẽ bị về chậm và không giành giải.

Đặc sắc nhất là môn Hè cù. Tham gia môn Hè cù gồm 2 đội thanh niên được lựa chọn ngẫu nhiên bất kỳ, mỗi đội 10 người chia thành đội đỏ và đội trắng (hoặc đen). Chiếc cù có hình tròn bằng gỗ sơn màu đỏ sau khi cúng lễ được đem chôn giấu ở một trong 3 đống đất nhỏ giữa sân. Hai đầu sân có hai cây trụ ở trên treo hai cái rổ (giống như bóng rổ) nhưng không cố định, được giữ bởi hai cụ già cao tuổi. Khi có cờ hiệu thì hai đội tranh lấy cù, sau khi tranh được cù việc trước tiên là đem ném ra biển và cuộc tranh cù được diễn ra trên nước như môn bóng nước, đội tranh được cù dưới biển lại mang cù chạy vào con lạch gần đó để tiếp tục ném và tranh tại đây rồi lại chạy ra biển. Công đoạn này được lập đi lập lại vài lần cho đến khi chạy vô lạch lần cuối (có ý nghĩa cá vô) thì mới chạy vào sân bãi để tranh cù bỏ vô giỏ và làm sao đội đỏ phải tranh được cù bỏ vô giỏ màu đỏ phía Bắc. Nếu đội trắng (hoặc đen) tranh được cù và cố bỏ vô giỏ thì cụ già giữ cây treo giỏ phải cố di động cái cây sao cho có thể hất cù ra, không cho bỏ cù vào giỏ. Việc tranh cù tuy biết trước đội đỏ luôn thắng nhưng việc tranh cù vẫn diễn ra sôi nổi, hào hứng giữa hai đội và cuối cùng ai cũng hồ hỡi, phấn khởi tuy không có treo giải cho đội thắng mà trao thưởng cho cả hai đội như nhau.

Môn Đua thuyền (người dân ở đây gọi là “bơi đua”) được tổ chức vào ngày mồng 5 Tết là ngày cuối cùng của lễ hội, cũng không đua lệ và có tất cả 3 thuyền đua của 2 thôn và Ban Vạn lạch (trước đây chỉ có 2 thuyền nhưng sau do Sơn Hải tách thành 2 thôn) được trang trí đầu rồng, đuôi phụng. Ngoài ra, còn có một thuyền khác gọi là “Ghe Nghinh” do Ban Vạn lạch vận động ngư dân tham gia. Ghe Nghinh trang hoàng cờ xí, trống chiêng, ảnh Bác Hồ… chạy theo các thuyền đua vừa cổ vũ vừa kết hợp bảo vệ và cứu hộ khi có tình huống xảy ra.

Sau môn đua thuyền, người ta sẽ kết thúc lễ hội bằng một hình thức gọi là “Giăng trò” bằng một sợi dây thừng dài được giăng ra bởi những thanh niên lực lưỡng đưa mọi người vào trong lưới kéo lùa vào có ý nghĩa kéo lưới cho cá vào bờ (hình thức kéo lưới rùng) sau khi các ghe thuyền ra khơi đã giành (đánh) được cá (bơi đua). Đến đây cúng bái kết thúc lễ hội, mọi người ra về hả hê, vui vẻ, tin tưởng về sự may mắn sẽ đến trong một năm mới.

Cũng như cư dân nông nghiệp lúa nước, cư dân vùng biển có những hoạt động vui chơi dân gian do chính người dân sáng tạo và tự tổ chức một cách phù hợp nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, làm cho đời sống tinh thần của họ thêm vui vẻ, phong phú, kết nối sự gắn bó, đoàn kết cộng đồng để cùng nhau phát triển trong quá trình mưu sinh. Điều đó làm nên nét văn hóa riêng đặc sắc trong diện mạo nền văn hóa chung của cư dân Việt qua bao đời tồn tại.