Thực trạng và giải pháp cải thiện môi trường làng nghề

(NTO) Làng nghề đặt trong sự phát triển có ý nghĩa quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của làng nghề cũng đang gây áp lực lớn đến môi trường, cần thiết phải có những giải pháp gắn phát triển làng nghề với bảo vệ môi trường (BVMT).

Thực trạng môi trường làng nghề

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 làng nghề đáp ứng được các tiêu chí của Thông tư số 116/2006/TT-BNN, ngày 18/12/2006, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP, ngày 07/7/2006, của Chính phủ và đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận. Ba làng nghề đó gồm: làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và làng nghề gốm Bàu Trúc. Ngoài ra còn 14 “làng nghề” khác được gọi tên theo cách gọi của người dân địa phương. Trong tổng số 17 làng nghề này có 7 làng nghề (tổng là 895 cơ sở sản xuất) gồm: Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ; làng nghề thủ công mỹ nghệ: Cầu Gãy, Tập Lá, Động Thông, Ma Nai; làng nghề sản xuất chổi Lâm Hòa được đánh giá là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp, được phép hoạt động trong khu vực dân cư. 10 làng nghề còn lại với 454 cơ sở sản xuất, bao gồm: Làng nghề gốm Bàu Trúc; làng nghề thủ công mỹ nghệ La Vang; làng nghề mộc mỹ nghệ Tân Sơn; làng nghề chế biến cá cơm hấp Lạc Sơn 3; làng nghề chế biến nước mắm: Lạc Sơn 2, Lạc Tân 1; làng nghề chế biến hải sản: Mỹ Tân, Đông Hải; làng nghề dệt chiếu cói An Thạnh và làng nghề sản xuất đũa Song Mỹ thuộc nhóm có một hoặc một số công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, phải xử lý ô nhiễm môi trường.

 
Nguồn nguyên liệu hải sản được sơ chế ngay trong khu vực cảng cá Đông Hải.

Ông Lê Khắc Huy Anh, Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho biết: Thông qua việc lập Báo cáo hiện trạng môi trường làng nghề tỉnh Ninh Thuận năm 2013, Chi cục đã xác định mức độ phát thải và ô nhiễm môi trường tại 17 làng nghề trong tỉnh như sau: 4/17 làng nghề có phát sinh khói thải từ hoạt động nung gốm, hấp cá, nhuộm cói, trong đó riêng làng nghề gốm Bàu Trúc bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực do bụi lơ lửng và SO2. 7/17 làng nghề phát sinh nước thải sản xuất từ các hoạt động: rửa cá, chà nhám đũa và nhuộm cói… với khoảng 4-128m3/làng nghề/ngày. Trong đó, nước thải tại 6/7 làng nghề được xử lý bằng các bể tự hoại (riêng nước thải của làng nghề chế biến hải sản Đông Hải được thu gom, xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung của cảng cá Đông Hải), tuy nhiên một số thông số ô nhiễm đã vượt quy chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, tất cả 17 làng nghề đều có chất thải rắn sản xuất, nguồn phát sinh từ các loại xác mắm, đầu cá, các loại cói, đót, gỗ dư thừa, mùn cưa… Toàn bộ chất thải rắn này được thu gom và xử lý chung với rác thải sinh hoạt hoặc tự xử lý trong phạm vi cơ sở. Ngoài ra, còn có 4/17 làng nghề phát sinh tiếng ồn, tuy vậy kết quả đo độ ồn tại 4 làng nghề này vẫn đạt quy chuẩn cho phép.

Có mặt tại làng gốm Bàu Trúc để tìm hiểu về vấn đề VSMT tại đây, chúng tôi được bà Bà Đàng Thị Phan, chủ “Cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ Champa- Phan” cho biết: “Hộ tôi cũng như hầu hết các hộ làm nghề khác có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu nung gốm bằng công nghệ truyền thống với vật liệu đốt chính là củi, thời gian nung gốm kéo dài từ 3 đến 5 tiếng... nên dẫn tới tình trạng khói bụi, không khí có màu, có mùi. Cũng có người tư vấn cần xây dựng hệ thống lò nung kín có ống khói cao nhưng... chúng tôi không có vốn, mà từ trước tới giờ vẫn như vậy rồi”. Khi nhận được câu hỏi của PV liên quan tới khái niệm “kinh tế xanh” (một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên), bà Phan cũng như nhiều người khác trong làng trả lời thẳng thắn rằng mình chưa hiểu gì về khái niệm này, có người có chút ít ý niệm nhưng chưa đầy đủ, thấu đáo.

Giải pháp hướng tới

Hàng năm, tỉnh có sự cân đối và bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ cho các làng nghề về phát triển kinh tế và BVMT theo Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 07/10/2011 về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015. Do vậy, việc sử dụng nguồn kinh phí này sao cho trọng tâm, trọng điểm và thiết thực là vấn đề đặt ra cho các địa phương. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định BVMT đối với tổ chức, hộ sản xuất tại các làng nghề. Các cơ sở sản xuất nên cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đơn cử như làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, các hộ sản xuất cần xây dựng hệ thống lò nung kín có ống khói cao, hay với làng sản xuất đũa Song Mỹ và làng nghề dệt chiếu cói thôn An Thạnh cần có hệ thống xử lý nước thải có nồng độ ô nhiễm cao, phù hợp với quy mô và tình hình tài chính của các hộ sản xuất… Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức của người dân trong việc tự giác chấp hành các quy định pháp luật về BVMT, đồng thời khuyến khích phát triển các mô hình HTX, Tổ hợp tác … cùng tham gia BVMT làng nghề.

Về lâu dài, cần thiết phải tăng cường trồng cây xanh nhằm cải thiện chất lượng không khí và tiếng ồn trên địa bàn. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cũng nên sử dụng và quản lý nguồn nguyên nhiên liệu sản xuất hiệu quả, tiết kiệm bằng cách tận thu, tái sử dụng các nguyên liệu thải; tái sử dụng lại lượng nước sản xuất… Để phát triển làng nghề gắn với BVMT cũng cần có giải pháp về khoa học công nghệ bằng cách đẩy mạnh việc nghiên cứu, đồng thời ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu để cải tiến công nghệ sản xuất và xử lý chất thải nhằm giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường và tăng giá trị sản phẩm.

Tiếp xúc với người dân ở một số làng nghề, chúng tôi nhận thấy hầu hết họ đều gặp khó khăn trong vấn đề vốn và mong mỏi: “Các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi có thể vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường để ứng dụng công nghệ sản xuất mới, mở rộng quy mô và năng lực sản xuất, cũng như đầu tư cho BVMT làng nghề”. Bên cạnh đó, họ cũng hy vọng có thêm nhiều dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng: cung cấp nước sạch, điện, xây dựng giao thông, hệ thống thoát nước và xử lý chất thải... được đầu tư tại làng nghề mình.