Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý thật sự “xã hội hóa”

(NTO) Ngày 15/7/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1133/QĐ-TTg phê duyệt và tổ chức thực hiện các Đề án tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI).

Tại điểm 7 Điều 1 của Quyết định giao đề án “xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016” cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện là Hội Luật gia Việt Nam. Nội dung đề án triển khai các hoạt động nhằm tăng cường xã hội hóa công tác phố biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trên cơ sở phát huy vai trò của các luật gia, Hội Luật gia các cấp và các tổ chức, cá nhân khác nhằm đáp ứng nhu cầu về quyền được thông tin và cung cấp dịch vụ pháp lý của nhân dân...

Tiếp thu tinh thần, nội dung của Quyết định, Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2274/KH-UBND ngày 15/5/2014 triển khai thực hiện đề án “xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016”. Yêu cầu trọng tâm khi thực hiện “xã hội hóa” công tác phổ biến, giáo dục pháp lau65t và trợ giúp pháp lý đã được xác định rõ tại kế hoạch 2274/KH-UBND là “Việc triển khai thực hiện đề án “xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016” phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các đề án “tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016”; đề án “tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013-2016; đề án “tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016; đề án “tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 2013-2016”; đề án “tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 2013-2016” (ban hành theo quyết định số 1133/QĐ-TTg).

“Xã hội hóa” công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý là huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng đối tượng hưởng thụ và hình thức để cùng thực hiện công tác này nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền được cung cấp dịch vụ pháp lý; cung cấp kịp thời, đầy đủ, có chất lượng dịch vụ công về phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân.

Để phát huy vai trò nồng cốt của tổ chức Hội Luật gia các cấp và để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý thật sự “xã hội hóa” Hội Luật gia tỉnh đề ra các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong thời gian tới như sau:

Một là, Ban Thường trực hội xây dựng kế hoạch và chương trình phối hợp với các sở, nghành với mục đích đa dạng hóa nội dung, hình thức và nguồn lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.

Hai là, các cấp Hội chủ động tham mưu cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch khả thi, thiết thực triển khai cho tất cả hội viên.

Ba là, thực hiện tốt phương châm “hướng về cơ sở, mở rộng cơ chế tham gia, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các cấp Hội” và thực hiện với giải pháp “tìm việc mà làm, tìm hay mà học, tìm sai mà sửa”.

Với từng nhiệm vụ Ban Thường trực và các cấp Hội xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Và để đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý thật sự “xã hội hóa” ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội Luật gia trong tỉnh cần phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Sở ban ngành liên quan trong tỉnh.