Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý

LTS: Ngày 15-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU về thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý. Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị này.

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Việc học tập lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh, số lượng cán bộ được đào tạo lý luận chính trị tăng nhanh, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức, báo cáo viên tăng cả về số lượng và chất lượng; nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bước đầu đổi mới. Điều kiện vật chất, kỹ thuật của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố bước đầu được cải thiện.

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Chưa tổ chức được nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, nhu cầu công việc. Phương pháp giảng dạy và công tác đánh giá chất lượng dạy, học chậm được đổi mới; chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Công tác phối hợp giữa các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng với các ban đảng, các cấp, các ngành trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có mặt còn hạn chế. Quản lý đào tạo còn có mặt yếu kém, nhất là quản lý học viên. Điều kiện vật chất, kỹ thuật ở một số Trung tâm Bồi dưỡng chính trị còn thiếu thốn, lạc hậu.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và đồng bộ đối với lĩnh vực quan trọng này. Công tác tổ chức cán bộ mới tập trung giải quyết những yêu cầu cấp bách trước mắt hằng năm, việc lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo lý luận dài hạn cho đội ngũ cán bộ dự nguồn còn chậm. Chưa xây dựng và ban hành Quy định học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức, báo cáo viên còn có mặt hạn chế.

Để phát huy những ưu điểm, khắc phục kịp thời hạn chế nêu trên và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh tập trung thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1/ Tổ chức quán triệt đầy đủ và sâu sắc nội dung Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và hệ thống các cơ sở đào tạo.

2/ Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện phổ cập giáo dục lý luận chính trị chương trình sơ cấp cho tất cả cán bộ, đảng viên tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị ở các đảng bộ trực thuộc. Chương trình trung cấp chính trị cho cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, các phòng, ban cấp huyện, ban, ngành của tỉnh, cán bộ chuyên trách công tác đảng, bí thư đoàn thanh niên các xã, phường, thị trấn, phóng viên, văn nghệ sĩ, trí thức.

3/ Đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị:

- Thường trực cấp ủy trực tiếp chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, tổ chức hội nghị quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị ở các địa phương và các ban, ngành trong tỉnh.

- Ban Thường vụ tỉnh uỷ xây dựng và ban hành Quy định học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hàng năm, tổ chức Hội nghị chuyên đề, mời các chuyên gia đầu ngành Trung ương truyền đạt cho cấp ủy viên các cấp, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố coi trọng việc tổng kết thực tiễn, bổ sung vào lý luận những vấn đề mới gắn với thực tiễn, tăng cường trao đổi, thảo luận, nghiên cứu bài giảng kết hợp với khảo sát thực tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập lý luận chính trị. Tổ chức hội thi báo cáo viên, giảng viên lý luận chính trị giỏi ở các cấp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

- Mở rộng các hình thức học tập chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng; các loại hình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp với từng đối tượng, chú trọng cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp, cán bộ nguồn, cán bộ trẻ.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

4/ Tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị:

- Tiến hành rà soát các chính sách hiện có về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn của địa phương.

- Xây dựng cơ chế giám sát, đào tạo, đào tạo lại đối với đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ về kinh phí để đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy cho Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố phục vụ tốt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

- Thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với người dạy và người học, ưu tiên đối với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

5/ Kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị:

- Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên chuyên trách giảng dạy lý luận chính trị, đảm bảo mỗi Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố có từ 02 giảng viên chuyên trách trở lên. Tiến hành kiểm tra, chọn lọc, sát hạch và bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên các cấp. Chú trọng khả năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; hướng tới biết sử dụng ngoại ngữ để phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

- Tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có nhiệm vụ làm giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng tại Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu của Ban Tổ chức cấp ủy các cấp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu tham mưu, quản lý đào tạo. Bố trí hợp lý cán bộ chuyên trách làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (không tăng biên chế).

6/ Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hàng năm đánh giá hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn.

7/ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quy định học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đề xuất nội dung tổ chức Hội nghị chuyên đề hàng năm. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, hướng dẫn, định hướng, thẩm định nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và kiểm tra việc thực hiện; hướng dẫn Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu học tập lý luận chính trị. Đồng thời, theo dõi, hướng dẫn kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo kết quả về Thường trực Tỉnh ủy.

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.