Tôn vinh nghệ nhân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” cho công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Nghị định ra đời đã làm nhiều người quan tâm đến các nghệ nhân dân gian thở phào nhẹ nhõm.

Thực tế, trong một thời gian dài, các nghệ nhân dân gian đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng họ vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi thỏa đáng. Hay nói cách khác, vẫn chưa có một danh hiệu nào để ghi nhận những công lao, đóng góp của các nghệ nhân trong việc bảo tồn kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc.

Nghị định 62 ra đời sẽ giúp các nghệ nhân gắn bó và phát huy giá trị văn hóa
phi vật thể của dân tộc. Ảnh: Lê Phú

Được soạn thảo cách đây 12 năm, phải tới bây giờ, Nghị định 62/2014/NĐ-CP về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” mới được ra đời, bởi có không ít lý do. Lâu nay khi xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, có nhiều bất cập chưa thể tháo gỡ. Đơn cử như quy định để có được danh hiệu nghệ nhân các cấp, người được xét nhất thiết phải có học trò, phải có thành tích, giải thưởng. Điều này không phù hợp với thực tế, bởi từ bao đời nay, sự tồn tại của nhiều loại hình di sản luôn ở mức nguy cơ báo động bởi không có người kế tục.

Nghị định 62/2014/NĐ-CP về phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể có hiệu lực từ 7/8/2014, bao gồm 5 chương, 18 điều và quy trình xét cũng qua ba cấp tỉnh, bộ và cấp Nhà nước như đối với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, rất nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền mang tính đặc thù, nên việc xác định ngưỡng để công nhận “thành tích” là rất khó thực hiện? Ví dụ với nghệ nhân Hát kể trường ca các tộc Tây Nguyên, hiện nay chỉ còn số lượng đếm trên đầu ngón tay, việc kêu gọi thanh niên nghe họ hát đã khó chứ chưa nói đến việc có học trò theo nghiệp. Hay với những nghệ nhân lão thành như cụ Nguyễn Phú Đẹ, danh cầm Ca trù cuối cùng còn lại của lớp nghệ nhân thế kỷ XX, cụ tìm đâu ra “giải thưởng” để được phong tặng danh hiệu?

Cũng theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, tiêu chí mặc định rằng muốn trở thành “nghệ nhân nhân dân”, người thực hành di sản buộc phải đạt danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” trước đó. Như vậy, lớp các bậc nghệ nhân lão thành ở tuổi 80 - 90, giả sử các cụ muốn trở thành “nghệ nhân nhân dân” thì trước nhất phải có được cái giấy chứng nhận “ưu tú”, điều đó thật khó với cái tuổi xề chiều của đời người.

Bởi vậy, không khó hiểu khi lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định 62/2014/NĐ-CP đã có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Thế nên, trong hơn 12 năm kể từ khi được xây dựng, dự thảo cứ trong tình trạng “lưu ban” năm này qua năm khác. Phần lớn ý kiến cho rằng, các tiêu chí được nêu ra là chưa phù hợp với thực tế, nếu không nói là "đánh đố” và đẩy các nghệ nhân vào thế thiệt thòi... Đơn cử, hồ sơ xét tặng phải có “các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm: Băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ; bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu liên quan...”.

Có thể hình dung, với khối lượng lớn những nghệ nhân cao tuổi, đặc biệt nghệ nhân các tộc thiểu số mà hiện rất nhiều người còn chưa biết chữ, việc làm thủ tục xin phong danh hiệu sẽ khó khăn đến nhường nào. Đó là chưa kể một số thủ tục rườm rà khiến nhiều nghệ nhân nản lòng khi làm thủ tục xét tặng. Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long từng tiếp xúc nhiều với nghệ nhân dân gian nói: “Nghệ nhân chủ yếu lớn tuổi, ở khu vực nông thôn, ít cập nhật văn bản, chính sách. Thủ tục rườm rà quá làm khó họ, nhất là với người xứng đáng”.

Còn chút băn khoăn là các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu sẽ được nhận một khoản tiền thưởng. Nhưng cái thiết thực đối với các nghệ nhân là một chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho họ được biểu diễn, truyền dạy, bảo tồn vốn cổ… lại chưa được Nghị định đề cập tới.

Hy vọng, Nghị định 62/2014/NĐ-CP được ban hành, sẽ là cơ sở để tháo gỡ những bất cập nêu trên. Hơn thế, ghi nhận tài năng và cống hiến của nghệ nhân là cả một quá trình dài. Với những người cả đời cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, có lẽ danh hiệu đích thực, danh hiệu cao quý nhất với họ, chính là xã hội ghi nhận những đóng góp của họ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại.

Nguồn Báo Tin tức - TTXVN