Vệ sinh an toàn thực phẩm: Mối lo chất phụ gia

(NTO) Phụ gia thực phẩm (PGTP) là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị và bề ngoài của chúng. Việc kinh doanh và sử dụng tràn lan chất PGTP luôn tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảmvệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), là mối lo chung của người tiêu dùng.

Dạo một vòng quanh các chợ lớn trong khu vực Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, chúng tôi nhận thấy trong hầu hết các sạp hàng tạp hóa, đồ khô thì PGTP là mặt hàng kinh doanh không thể thiếu. Tại chợ Phan Rang, vài chục sạp đồ khô với hàng trăm mặt hàng chất PGTP khác nhau được bày bán để phục vụ khách hàng: từ nhóm phụ gia tra nấu thông thường trong các gia đình tới nhóm hương liệu sử dụng trong pha chế các loại nước giải khát, hay nhóm phụ gia thường được các nhà hàng, quán ăn sử dụng để tẩm ướp, giữ tươi, làm mềm thức ăn…

Một quầy bán PGTP tại chợ Tháp Chàm (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm).

Trong đó, không ít các loại PGTP được để trong chai, thùng hoặc đóng bọc thủ công, không có hướng dẫn và hạn sử dụng, không nhãn mác, có chăng chỉ là vài dòng viết tay ghi tên công dụng của loại phụ gia lên trên bao bì để tiện khi lấy bán cho khách. Về các chợ nông thôn, PGTP không rõ nguồn gốc, xuất xứ đựng trong các thùng, bao tải nhỏ ẩm ướt, “lộ thiên” với xung quanh là ruồi muỗi cũng là cảnh tượng không hiếm gặp. Giá thành của các loại phụ gia “trôi nổi” rẻ chỉ bằng 30-70% so với giá các sản phẩm cùng loại có thương hiệu. Thực tế, với một số người bán hàng, họ có sẵn loại PGTP chỉ để “nhà dùng”, có loại bán cho khách hàng là hộ gia đình, có loại dành riêng cho quán kinh doanh với giá cả và chất lượng chênh lệch nhau.

Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh là khá lớn, gần 5.800 cơ sở, trong đó đa số là các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng vốn chỉ có lực lượng khá “mỏng”. Thêm vào đó là thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân: thích mua hàng tại các điểm tiện đường đi lại, mua hàng giá rẻ và được trả giá khi mua, cũng có người không có thói quen để ý tới nhãn mác, thương hiệu, hạn sử dụng của sản phẩm.... Từ đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh kiểm tra 4.662 cơ sở (chiếm 80,3 %). Trong đó có tới 959 cơ sở vi phạm, trong đó có 81 cơ sở có sản phẩm bị tiêu hủy do thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng hoặc có hóa chất độc hại. Trong quá trình thanh kiểm tra, ngoài việc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm, lực lượng chức năng đã kịp thời nhắc nhở, yêu cầu cơ sở khắc phục ngay và cam kết không tái phạm.

Bà Mai Thị Phương Ngọc, Chi cục Trưởng Chi cục VSATTP cho biết: Đoàn thanh kiểm tra đã test nhanh tại chỗ 428 mẫu thực phẩm, trong đó có 18/428 mẫu cho kết quả dương tính: hàn the trong chả bò, chả cá, chả lụa; methanol trong rượu trắng và độ ôi khét trong dầu ăn. Phía Chi cục VSATTP đã tăng cường phổ biến Luật An toàn thực phẩm, trong đó có tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về chất PGTP; thường xuyên thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về VSATTP; đồng thời chú trọng công tác quản lý giám sát mối nguy, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn.

Cũng phải đề cập thêm, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất PGTP mà hầu hết đều nhập từ các tỉnh khác nên rất khó truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh PGTP giải thích: “do nhập về với số lượng lớn nên khi bày bán buộc phải sang chiết ra những bịch, bình nhỏ gọn hơn nên khó cung cấp rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”. Ngoài ra, trên thực tế, để phát hiện các vi phạm về chất lượng sản phẩm được đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm nghiệm hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài. Trong quá trình lấy mẫu và chờ kết quả kiểm nghiệm phải đình chỉ lưu thông hàng hoá nghi có vi phạm. Trường hợp mẫu không phát hiện vi phạm sẽ gây nhiều khó khăn cho người kinh doanh, kéo theo trách nhiệm pháp lý của cơ quan chức năng trong việc làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bà Mai Thị Phương Ngọc cho biết thêm: Tại Điều 6, Nghị định 178/20l3/NĐ-CP có đưa ra mức xử phạt vi phạm quy định về sử dụng PGTP nhưng tại các mức xử phạt này lại không tính đến quy mô của cơ sở kinh doanh, trị giá hàng hoá kinh doanh nên nhiều trường hợp gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc đưa ra quyết định xử phạt.

Vậy là, việc chọn mua các PGTP không rõ nguồn gốc, xuất xứ chính do sự dễ dãi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, có người đã biết được các PGTP mình mua không đạt tiêu chuẩn nhưng vì ham rẻ mà bất chấp. Một lần nữa, ý thức “tự bảo vệ mình” và “bảo vệ cộng đồng” của của mỗi người trong kinh doanh, sử dụng PGTP lại cần thiết được đặt ra đầu tiên, sau tiếp là phần việc của các cơ quan chức năng.