Vệ sinh lưới điện bằng công nghệ "bắn nước"

EVNHANOI đã thực hiện việc vệ sinh cách điện lưới phân phối (22, 35, 110kV) đang mang điện bằng công nghệ mới-công nghệ Hotline.

Ngày 22-7, tại trạm biến áp (TBA) 110kV Văn Điển (huyện Thanh Trì), Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) phối hợp với Công ty Truyền tải điện 3 tổ chức thực nghiệm “Vệ sinh cách điện lưới phân phối đang mang điện” bằng công nghệ Hotline, nhằm áp dụng công nghệ này vào công tác vận hành trên lưới điện trung cao áp tại thủ đô Hà Nội.

Buổi tác nghiệp vệ sinh lưới điện bằng công nghệ mới tại TBA 110kV Thanh Trì sáng 22/7. Ảnh: VGP/Việt Hải

Ở TP. Hà Nội, do lưới điện phân phối (≤ 110kV) cấp điện trực tiếp đến phụ tải nên tập trung chủ yếu ở các thành phố, khu công nghiệp, khu dân cư và thường bám theo các trục đường giao thông nên cách điện thường xuyên bị nhiễm bẩn.

Khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi (như sương muối, mưa phùn) sẽ phát sinh phóng điện vầng quang, nếu không xử lý vệ sinh kịp thời sẽ có nhiều nguy cơ phóng điện, ngắn mạch, gây sự cố đường dây.

Ngoài ra dòng điện rò sẽ tăng cao dẫn đến tổn hao công suất trên lưới tăng. Vì vậy, trong quá trình quản lý vận hành lưới điện, việc giám sát và vệ sinh cách điện là một trong những nhiệm vụ thường kỳ của các đơn vị trong ngành Điện.

Để giải quyết cách điện nhiễm bẩn, thông thường đều sử dụng phương thức truyền thống là cắt điện để vệ sinh thủ công. Với lưới điện phân phối (22kV, 35kV, 110kV), công nhân phải trèo lên cột dùng giẻ thấm nước để lau từng bát sứ.

Với thiết bị trong các TBA bị nhiễm bẩn, định kỳ phải cắt điện để vệ sinh toàn trạm. Việc này làm tăng chi phí quản lý, tăng nguy cơ mất an toàn cho công nhân; đặc biệt là làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng, làm mất sản lượng điện thương phẩm, giảm doanh thu.

Với công nghệ Hotline, bài toán trên đã được giải quyết khi có thể vệ sinh cách điện lưới điện đang mang điện mà không cần cắt điện, bằng cách dùng vòi bơm áp suất lớn, “bắn” nước đã được xử lý thành nước cách điện (đã được khử ion) để làm sạch các cách điện.

Đồng thời, công nghệ Hotline gồm các thiết bị che phủ đường dây và quần áo bảo hộ... tạo ra môi trường cách điện tuyệt đối và an toàn cho người công nhân khi sửa chữa lưới điện cao thế đang vận hành. Nhờ vậy mà hạn chế được các tai nạn lao động xảy ra trong công tác sửa chữa lưới điện.

Theo tính toán, chi phí cho công nghệ Hotline chỉ bằng 25% công nghệ vệ sinh truyền thống. Ngoài việc góp phần giảm áp lực thời gian và mức độ nặng nhọc, Hotline còn góp phần tăng tính chủ động cho công việc vệ sinh lưới điện khi chỉ cần tập trung giải quyết lần lượt những vị trí bẩn nặng có nguy cơ phóng điện; trong khi với công nghệ truyền thống cần cắt điện, buộc phải giải quyết tất cả những vị trí nhiễm bẩn chưa đến mức độ báo động để phòng ngừa nhiễm bẩn phát triển.

Việc chủ động vệ sinh cách điện nhiễm bẩn lưới điện không chỉ giải quyết việc phóng điện gây sự cố mà còn mang lại lợi ích: tăng tuổi thọ cách điện, giảm nguy cơ mất an toàn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tối ưu hóa chi phí, giảm tối đa thời gian mất điện.

Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế TP. Hà Nội Phạm Đại Nghĩa cho biết: Trên địa bàn TP. Hà Nội có 34 TBA, hơn 600km đường dây nổi và cáp ngầm 110kV… hầu hết tham gia cấp điện cho các khu vực quan trọng như bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư... Bình thường hàng năm, Công ty phải cắt điện luân phiên các TBA và đường dây để tiến hành vệ sinh sứ và cách điện, dẫn đến thời gian mất điện kéo dài, gây gián đoạn cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn TP. Hà Nội. Vì vậy, sử dụng công nghệ Hotline có thể giúp giảm thời gian cắt điện, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm nguy cơ mất an toàn lao động, qua đó tối ưu hóa chi phí và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Nguồn www.chinhphu.vn