Đấu tranh ngoại giao là thế!

Cuộc đàm phán Geneva năm 1954 đã diễn ra rất phức tạp trong sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH và sự dàn xếp của các nước lớn với những động cơ không giống nhau, bao gồm những mục đích riêng và cả những toan tính cho một ván cờ mới.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết. Đối với Việt Nam, thắng lợi của Hội nghị Geneva là điều đã được khẳng định và cần phải khẳng định. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một hội nghị quốc tế với sự tham dự của nhiều cường quốc đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Thủ tướng Pháp Mendès-France đến thăm Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng năm 1954- Ảnh tư liệu

Nhìn chung, các nước châu Á, kể cả Trung Quốc, khi tới hội nghị này không được coi là có vai trò bình đẳng với các nước phương Tây. Họ tham dự Hội nghị không mang ý nghĩa là được sự thừa nhận của các nước khác. Nhưng cuối cùng những nguyên tắc về chủ quyền quốc gia dân tộc đã được thừa nhận.

Thành công của Hiệp định Geneva là cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đáp ứng nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

5 điểm hạn chế

Cùng với những giá trị được khẳng định, Hội nghị Geneva còn một số điểm hạn chế:

Một là, lẽ ra việc đàm phán để kết thúc chiến tranh phải là công việc chủ yếu giữa các lực lượng kháng chiến ở Đông Dương với Pháp. Nhưng trật tự thế giới hai cực và cục diện Chiến tranh Lạnh đã chi phối kết quả việc giải quyết cuộc chiến tranh bằng một hội nghị quốc tế, với sự tham gia của nhiều cường quốc với những lợi ích khác nhau.

Hai là, việc xác định ranh giới quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân ở Việt Nam không phải vĩ tuyến 13 hay 16 theo phương án đấu tranh của Việt Nam, mà là vĩ tuyến 17. Việt Nam phải bỏ lại toàn bộ vùng giải phóng khu V và nhiều vùng tự do phía Nam vĩ tuyến 17 làm vùng tập kết, chuyển quân cho Pháp. Ở Lào, lực lượng kháng chiến chỉ được một vùng tập kết gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ. Lực lượng kháng chiến Campuchia phải phục viên tại chỗ.

Ba là, thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam không phải là 6 tháng như phương án của Việt Nam, mà là 2 năm.

Bốn là, Hội nghị đã quyết định những vấn đề có liên quan đến các lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia mà không có sự tham gia của các chính phủ kháng chiến ở hai nước này.

Năm là, việc thi hành Hiệp định. Trên thực tế, Hiệp định Geneva chỉ được thực hiện một phần: Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Việc tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam đã không thể thực hiện do chính sách can thiệp và xâm lược của Mỹ và do vậy, một cuộc chiến tranh mới cũng bắt đầu.

Những điều chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của ta, chủ yếu tập trung vào hai vấn đề: Vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tiến hành tổng tuyển cử. Đó là sự thực lịch sử mà ai cũng thấy, song nhìn nhận điều này như thế nào thì lại có những ý kiến khác nhau.

Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Nam- Ảnh tư liệu

“Luật chơi” trên bàn đàm phán

Để có câu trả lời xác đáng, trước hết phải nhắc lại “luật chơi” trên bàn đàm phán quốc tế: Trong các cuộc thương lượng, mỗi bên đều cố giành phần lớn nhất mà mình có thể, đồng thời phải nhân nhượng những điều mình chưa thể, trừ trường hợp đầu hàng không điều kiện mà bên thua phải chấp nhận mọi đòi hòi của bên thắng.

Vì thế, ngay sau khi Hiệp ước được ký kết thì mỗi bên đều có điều thỏa mãn và những điều chưa thỏa mãn, đó là lẽ thường tình. Cuộc đấu tranh tiếp tục với hy vọng của mỗi bên sẽ tiến lên một bước cao hơn. Hơn nữa, khi cuộc đàm phán được quốc tế hóa với nhiều bên tham gia thì trong khi tìm giải pháp cho cái chung, mỗi bên đều tính đến phần thành quả cho riêng mình.

“Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc thương lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các điều khoản của Hiệp định chỉ để nhằm làm thỏa mãn các cường quốc…

Vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á mà các cường quốc đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong hiệp định, không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương.

Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này… Thắng lợi trên thực địa nhưng tại bàn Hội nghị, Việt Nam DCCH không thể khai thác được thế mạnh quân sự của mình”. Nữ luật gia người Pháp Laury Anne Bellessa

Nhìn lại bối cảnh lịch sử nửa đầu thập kỷ 1950, cuộc kháng chiến của ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, được sự đoàn kết nhất trí của toàn thể nhân dân và sự đồng tình ủng hộ của các nước XHCN, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân Pháp. Quân dân ta đã thắng lớn trong nhiều chiến dịch, đặc biệt vĩ đại là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có ý kiến cho rằng, trên đà thắng lợi như vậy, nếu ta cứ đánh tiếp đến cùng, không ký Hiệp định thì sẽ không phải đi một chặng đường dài gian khổ tiếp sau để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là một nguyện vọng chính đáng nhưng mang tính chủ quan, không tính đến tình hình khách quan của ta, của phe ta và của đối phương.

Về phe ta, Trung Quốc, Liên Xô tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch. Song tình hình các nước đó đòi hỏi làm dịu không khí căng thẳng ở vùng Đông Á.

Về phía đối phương, tình trạng sa lầy trên chiến trường buộc Chính phủ Pháp phải tìm cách rút lui trong danh dự. Sự tính toán đó được Anh ủng hộ vì không muốn ảnh hưởng cách mạng lan rộng sang các thuộc địa của mình. Mỹ vừa muốn Pháp đẩy mạnh chiến tranh để giành ưu thế, vừa muốn thay thế Pháp trên địa bàn chiến lược này nhưng lại chưa thực sẵn sàng vì lo ngại xảy ra Triều Tiên thứ hai.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc đình chiến ở Triều Tiên là bước đi đầu tiên của sự hòa hoãn giữa các nước lớn và được coi như khuôn mẫu để giải quyết vấn đề chiến tranh Đông Dương.

Hội nghị Trung ương lần thứ VI diễn ra 1 tuần trước khi ký Hiệp định Geneva đã nhận định tình hình lúc đó: “… lực lượng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta nhưng chưa phải biến chuyển căn bản có tính chất chiến lược”.

Đây là một nhận định sáng suốt và thực tế, đánh giá đúng mức tương quan lực lượng để có thể tìm điểm dừng cần thiết. Điều này không chỉ thu hẹp trong phạm vi quân sự mà ngay trong lĩnh vực ngoại giao, ta cũng chưa thể đàm phán trực tiếp tay đôi với Pháp khi mà cuộc chiến tranh Đông Dương đã mang tính chất quốc tế hóa. Nhất là những biến chuyển trong tình hình quốc tế khi các nước lớn có xu hướng tìm giải pháp hòa hoãn thì các nước nhỏ cũng khó mà đi ngược lại xu hướng đó.

Toàn bộ 16.000 lính Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt
hoặc bắt sau khi kết thúc chiến dịch - Ảnh tư liệu

Vừa đấu tranh vừa nhân nhượng

Có thể thấy rằng Hiệp định Geneva là sản phẩm của một quá trình vừa đấu tranh, vừa nhân nhượng giữa các bên tham gia cuộc đàm phán. Nó phản ánh tương quan lực lượng trên chiến trường, đồng thời chịu tác động chung của tình hình thế giới. Đoàn đại biểu mỗi nước đều cố giành cho mình được phần có lợi nhất song vẫn không thể vượt ra khỏi khả năng thực tế và không thể không cân nhắc đến ý đồ của các đồng minh cũng như của đối phương. Về nguyên tắc thì các đoàn đại biểu đều có quyền bình đẳng song cũng không thể phủ nhận một thực tế về mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ trong lịch sử quan hệ quốc tế.

Tại Hội thảo quốc tế “Chiến thắng Điện Biên Phủ- 50 năm nhìn lại” (tháng 4/2004), nữ luật gia người Pháp Laury Anne Bellessa nhận xét: “Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc thương lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các điều khoản của Hiệp định chỉ để nhằm làm thỏa mãn các cường quốc… Vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á mà các cường quốc đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong Hiệp định, không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương. Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này… Thắng lợi trên thực địa nhưng tại bàn Hội nghị, Việt Nam DCCH không thể khai thác được thế mạnh quân sự của mình”.

Giáo sư Hugues Tertrais, Đại học Pentéon Sorbone Paris 1, khẳng định: Năm 1954, chiến thắng của Việt Nam DCCH đã phần nào bị ngăn trở do sức nặng của thời kỳ “hòa hoãn đôi bên”. Theo ông, “tuy có chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam đã tham gia vào nhóm các đất nước bị chia cắt…”.

Tóm lại, kết quả của cuộc đàm phán chưa ngang tầm với thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên chiến trường, mà đã có những nhân nhượng.

Nhưng đấu tranh ngoại giao là thế!

Nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh từng viết: “Thực chất Hiệp định Geneva là một thỏa hiệp quốc tế được các nước lớn sắp đặt, trong đó mỗi bên tham gia đều được một phần của chiếc bánh”. Phần bánh đó nhiều hay ít tùy thuộc vào thực lực của mỗi bên và sự khôn khéo của mỗi đoàn đại biểu.

Mặc dù còn mong muốn đạt được đôi điều có lợi hơn nhưng nhìn từ các khía cạnh, có thể thấy rằng Hiệp định Geneva là một thắng lợi về chính trị và ngoại giao, là một thành công lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu một nấc thang đi lên trong tiến trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Nguồn www.chinhphu.vn