Kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua số dự án luật cao kỷ lục

Dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua và cho ý kiến 30 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết. Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật nhiều nhất từ trước đến nay.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Đào Trọng Thi phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp thứ 29 với nội dung đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII và cho ý kiến một số nội dung cơ bản định hướng việc xây dựng dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày khẳng định: Trong gần 28 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, với sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, tinh thần đoàn kết, dân chủ, hợp tác và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, quyết tâm, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, trong thời gian diễn ra kỳ họp, những diễn biến phức tạp trên Biển Đông và việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vấn đề được đại biểu, đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Ngay những ngày đầu kỳ họp, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận sâu sắc, mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc. Trong bản Thông cáo số 2 của Quốc hội cũng như trong các phát biểu khai mạc và bế mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, Công thư của Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội gửi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện các nước, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới và các tổ chức liên nghị viện khác đều nêu rõ tuyên bố về lập trường chính nghĩa của Việt Nam, sự kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam; đồng thời đề nghị Quốc hội, nghị sĩ Quốc hội, các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đồng tình, ủng hộ Việt Nam, lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc đình chỉ ngay những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Quốc hội cũng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, các cơ quan, các vị đại biểu Quốc hội và xuất phát từ yêu cầu thực tế, Quốc hội đã quyết định sử dụng nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm chi ngân sách Trung ương 2013 để chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư (16.000 tỷ đồng).

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến, Quốc hội làm việc khoảng 35 ngày. Theo thông lệ, khối lượng công việc của kỳ họp cuối năm thường rất lớn, trọng tâm là xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các báo cáo công tác tư pháp. Tuy nhiên, công tác xây dựng luật tại kỳ họp thứ 8 khá nặng, vì năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa quy định của Hiến pháp vào cuộc sống được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Cụ thể, dự kiến tại kỳ họp thứ 8, số lượng dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến là 30 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết.

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết trong khoảng 35 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành nửa ngày lấy phiếu tín nhiệm.

Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị: Chú trọng tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; cải tiến cách thảo luận về các dự án luật theo hướng dứt điểm việc bàn bạc về sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh tại lần cho ý kiến đầu tiên…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị: Không nên phân bổ thời gian kiểu chia đều cho các dự án luật mà cần dành nhiều thời gian hơn cho một số dự án Luật như: dự luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật về Đơn vị hành chính – kinh tế.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, hồ sơ dự thảo nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi tới cơ quan thẩm tra. Theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, "rút kinh nghiệm lần trước, hồ sơ dự thảo lần này đã được chuẩn bị khá kỹ, bao gồm cả dự thảo đề án, đánh giá tác động, tổng kết…, nhưng vẫn còn “nợ” lại nội dung về kinh phí, chờ Chính phủ xem xét, quyết định tại phiên họp thường kỳ tháng 8. Như vậy, UBTVQH vẫn có thể xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 9, trước khi trình ra Quốc hội. Tôi cho rằng dự thảo đề án có nhiều khả năng đủ điều kiện trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8”.

Cuối buổi sáng, UBTVQH họp riêng, cho ý kiến một số nội dung cơ bản định hướng việc xây dựng dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam