Đi tìm hương vị Bánh bèo Mụ Mận Phan Rang

(NTO) Cô tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống cũng khá lâu, có lẽ khi tuổi già chợt đến, người ta bỗng thèm những món ăn dân dã quê nhà, một trong những món ăn được nhắc tới, đó là Bánh bèo Mụ Mận. Món ăn đó, không những là kỷ niệm một thời của học sinh Duy Tân (Nguyễn Trãi ngày nay) luôn ăn sâu vào tiềm thức, khiến họ không thể quên món ăn vặt cuối ngày, mà còn nhớ da diết con đường Phan Đình Phùng thơ mộng năm xửa, năm xưa…

Giờ đây, thương hiệu Bánh bèo Mụ Mận không còn nữa, nhưng ở một góc nhỏ trên con đường Phan Đình Phùng ngày ấy, vẫn là địa điểm lui tới của những người con xa xứ, lâu ngày đến thưởng thức món ăn bình dị ở quê mình.

Bánh bèo gồm có ba thành phần chính đơn giản đó là : Bánh làm từ bột gạo. Nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn và nước chấm. Ở Phan Rang thì có thêm mỡ hành, và đậu xanh hong khô, đánh cho tơi.

Nguyên liệu gồm: Bột gạo, bột năng, muối và 100 cái chén nhỏ dùng để hấp bột; tôm, đậu xanh bóc vỏ, hành, mỡ, tỏi, ớt, đường, chanh.

Cách chế biến như sau:

- Trộn hai loại bột với nhau, bột năng bằng 1/5 bột gạo. Thêm một ít muối, cho nước vào và khuấy tan hơi sền sệt là được. Để hỗn hợp bột đó trong khoảng 4 giờ nhằm để bột dậy và dai hơn.

- Trước khi đổ bánh, bạn bỏ phần nước trong ở trên mặt, cho vào đó một lượng nước ấm bằng lượng đã bỏ đi. Sau đó, sắp chén bánh bèo vào xửng và khi chén nóng thì khuấy đều rồi đổ bột gần bằng mặt chén. Trong quá trình hấp, canh đều lửa, khoảng 5 phút là bánh chín.

- Tôm bóc vỏ, giã tôm dập nhỏ. Đặt chảo lên bếp, làm nóng với ít dầu, hành khô, cho tôm đã giã vào đảo với ít màu hạt điều và muối cho thấm.

- Hành lá xắt nhỏ, phi lên cùng với mỡ heo. Đậu xanh đãi vỏ, hong khô, đánh cho tơi xốp.

Pha nước chấm gồm có mắm ngon, nước lọc, chanh, đường, ớt quả. Nếm nước chấm có vị chua, mặn, ngọt hợp khẩu vị là được. Một số người lại ghiền ăn cùng với mắm nêm Phan Rang có vị cay cay, đậm đậm…

Tùy vào “gu” mỗi người thích ăn nóng hoặc nguội, nhưng dẫu thế nào đi nữa, đây vẫn là một món ăn mang nhiều màu sắc đa dạng nhất. Màu trắng của bánh, màu đỏ của tôm, màu vàng của đậu và màu xanh của hành lá. Tất cả tạo nên một bức tranh hài hòa trong ẩm thực, để mỗi khi người con Ninh Thuận đi xa trở về đều mong muốn một lần ghé lại chốn cũ để nhâm nhi, thưởng thức những món ăn ngon, mang đầy hương vị nồng ấm của quê mình.