Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 19-4

 - Ngày 19-4-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku.

Trong thư, Người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xơđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Giang sơn và Chính phủ là Giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta.

Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để gìn giữ non nước ta, ủng hộ Chính phủ ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt….”. Ngày 17-11-2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19-4 hằng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

- Ngày 19-4-1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị 16 Trung ương khóa II bàn về hợp tác hóa nông nghiệp. Kết thúc ngày họp, Người căn dặn vấn đề hợp tác hóa phải chú trọng chất lượng để sau này phát triển dễ hơn, phải chú ý đến vai trò của thanh niên lao động trong công tác này và các địa phương nên chú ý chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, cây trồng ở những công trình thủy nông nên trồng cây, nuôi cá… các xã phải có nghĩa trang liệt sĩ… Người còn phê bình một địa phương còn lẫn lộn giữa công tác của tỉnh ủy và chính quyền nên phải nghiên cứu lại hoạt động của mình.

- Ngày 19-4-1975: Giải phóng tỉnh Bình Thuận.

Ngày 18-4-1975, Trung đoàn 18 thuộc Sư đoàn 325 và các đơn vị binh chủng hợp thành của ta đã phối hợp với Trung đoàn 812 lực lượng Quân khu 6, và tiểu đoàn 15 bộ đội địa phương tỉnh Bình Thuận tiến công thị xã Phan Thiết.

Ngày 19-4-1975, tỉnh Bình Thuận được hoàn toàn giải phóng. Sau gần 40 năm giải phóng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xây dựng chính quyền, đoàn thể các cấp vững mạnh, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Ngày 19-4-1987: Bầu cử Quốc hội khóa VIII (1987-1992).

Trong cuộc bầu cử, 98,75% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu bầu ra 496 đại biểu Quốc hội. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã khẳng định rằng, mặc dù có nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống, nhưng với truyền thống yêu nước, với sự giác ngộ về nghĩa vụ và quyền làm chủ của mình, nhân dân ta đã biểu thị lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia vào việc lựa chọn đại biểu xứng đáng để bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Đây là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội VI của Đảng đề ra năm 1986.

- Ngày 19-4-2009: Tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), diễn ra lễ công bố Quyết định 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 19-4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Việc xác lập Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc vì một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Tuyên truyền, vận động làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, quý trọng và hoà hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội Góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Theo TTXVN