HỒ SƠ - TƯ LIỆU:

Phước Dinh: Một thời chiến tranh - một thời hào hùng

(NTO) Phước Dinh là một xã ven biển, nằm về phía Đông Nam của huyện Thuận Nam (trước năm 1975 là xã Dinh Hải). Phía Nam có mũi Dinh; phía Tây có núi Ma Zắc; phía Bắc là rừng thưa và động cát mênh mông. Toàn xã được chia thành 3 thôn: Sơn Hải (nay là Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2), Vĩnh Trường, Từ Thiện.

Với địa hình như một ốc đảo nằm dưới thung lũng, trước mặt là biển, ba bên còn lại là núi và đồi cát, nên trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vùng núi xã Phước Dinh đã trở thành căn cứ địa (CK35) vững chắc, cung cấp nhân tài, vật lực, góp phần phát triển cho phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.

Tuyến đường Phú Thọ- Mũi Dinh được Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế xã Phước Dinh.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân xã Phước Dinh đã phát huy mạnh mẽ ý chí kiên cường, một lòng, một dạ trung thành với Đảng, quyết tâm đánh giặc, giải phóng quê hương. Với hơn 30 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 37 tên địch, thu hơn 60 khấu súng các loại; 5 lần chống địch dồn dân lập ấp là một minh chứng tuyệt vời về tấm lòng kiên trung với cách mạng. Tiêu biểu là trận đánh ngày 30-6-1946, tổ du kích xã đã lập mưu dùng thuyền đưa một tiểu đội lính Pháp từ Sơn Hải qua Vĩnh Trường, Từ Thiện, sau đó nhận chìm thuyền, tiêu diệt 11 tên, thu 8 súng các loại. Đây là trận đánh gây tiếng vang lớn, có tác động mạnh trên chiến trường toàn tỉnh. Sau thất bại đó, địch đã cho máy bay điên cuồng bắn phá thôn Sơn Hải. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhân dân đã kiên quyết “Không hợp tác với giặc”, cả làng kéo nhau vào Chiến khu cách mạng (CK35) để củng cố lực lượng, tiếp tục đánh địch và tổ chức sản xuất phục vụ cách mạng.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, phần lớn đảng viên và lực lượng du kích xã được bố trí ở lại, không tập kết ra Bắc. Lực lượng của ta ở lại đã tích cực bám trụ, xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố lực lượng dân quân, du kích tại địa phương. Do đó phong trào cách mạng của xã đã phát triển mạnh ngay từ những năm mới bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuối năm 1960, thực hiện chủ trương “mở vùng”, Tỉnh ủy chọn Sơn Hải làm điểm. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cán bộ Vùng ủy, các cơ sở An ninh mật bên trong thôn Sơn Hải đã nắm tình hình, lực lượng của địch, bộ máy tề điệp, lên danh sách bọn có tội ác và nắm quy luật hoạt động của chúng đề xuất bố trí kế hoạch tiêu diệt. Tháng 2-1961, cơ sở bí mật An ninh phục vụ cho lực lượng vũ trang đột nhập ấp Sơn Hải, làm chủ suốt đêm mùng 7 tết Tân Sửu. Ta xử tử tên Phiêu, ấp trưởng gian ác có nhiều nợ máu với nhân dân, bắt bọn tề điệp, thu vũ khí, rải truyền đơn, treo cờ, dán khẩu hiệu, phá hàng rào quanh ấp chiến lược. Một tuần sau, cơ sở mật ở thôn Vĩnh Trường báo tin cho lực lượng vũ trang bố trí chặn đánh bọn tề đi từ hướng Vĩnh Trường về, tiêu diệt tên Nguyễn Sinh (đại diện xã) và cảnh cáo giáo dục tên xã đoàn thanh niên cộng hòa. Đặc biệt ngày 8-11-1961, cơ sở của ta đã phục vụ cho lực lượng Quân sự (1 tiểu đội đặc công) tập kích tiêu diệt gọn 1 tiểu đội biệt kích ở thôn Vĩnh Trường gồm 12 tên (do tên Sum cán bộ kháng chiến đầu hàng phản bội làm tiểu đội trưởng).

Phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, du kích ở các thôn ngày càng phát huy tốt hiệu quả bám đánh địch, đã hình thành 3 trung đội chiến đấu tại chỗ. Đội du kích thôn Sơn Hải được xem như là một lực lượng điển hình về chiến tranh du kích trong toàn tỉnh. Ngày 8-6-1962, cơ sở bên trong của ta đã phục vụ cho lực lượng vũ trang tập kích tiêu diệt phần lớn bọn địch đang tập trung chào cờ ở Sơn Hải; đồng thời phối hợp cùng nhân dân nổi dậy bắt tề điệp, phá ranh rào, làm chủ suốt ngày đêm tại ấp Sơn Hải. Tháng 4-1965, đánh, tỉêu diệt gọn tiểu đội biệt kích tại mũi Dinh, diệt tên ác ôn đầu sỏ chỉ huy, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 25-11-1965, phối hợp với lực lượng vũ trang của huyện đánh tiểu đoàn lính Mỹ và quân tiếp viện càn quét vào Bàu Ngứ, diệt 20 tên Mỹ, bắn cháy 1 xe tăng, thu 4 súng. Tháng 4-1966, đánh địch càn quét rừng già chân núi CK35, diệt 20 tên Mỹ và chư hầu, phá hủy 1 xe tăng M113.

Bên cạnh việc nắm tình hình phục vụ cho các lực lượng đột ấp, diệt ác, phá kìm… cơ sở An ninh mật ở các thôn Sơn Hải, Vĩnh Trường còn giám sát, theo dõi, xác minh, giúp cho lực lượng cách mạng phát hiện, trừng trị nhiều tên gián điệp, tình báo và chỉ điểm của địch như: tên Phán, tên Long, tên Bảy Vĩnh Trường… ở Sơn Hải; tên Thạnh (Nghĩa) - Phó Bí thư Chi bộ ấp Sơn Hải bị địch mua chuộc, khống chế làm nội gián cho chúng. Đặc biệt các cơ sở An ninh mật bên trong thôn Sơn Hải đã giúp cho lực lượng An ninh tỉnh triệt phá tổ chức “Biệt đội sưu tầm” - tổ chức tình báo trá hình của địch - mật danh “lưới M30” do Nguyễn Văn Tư (Nguyễn Văn Tạo) quê ở thôn Từ Thiện làm trưởng lưới. Qua bắt giữ và khai thác tên Tạo, ta đã phát hiện toàn bộ lưới M30. Ngoài tên Tạo lưới này còn có 3 đối tượng khác từng hoạt động cho địch, gây nguy hiểm cho tổ chức ta như tên Nguyễn Tư (tức Thanh) - Bí số N15, trước là cơ sở của tên Phiên (đã bị ta tiêu diệt).

Cuối năm 1967, địch quyết tâm tập trung lực lượng, dùng máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo binh yểm trợ, đưa quân đến lập trận địa pháo tại núi Ma Zắc để khống chế địa bàn Phước Dinh và căn cứ CK 35 nhằm ngăn chặn sự phản kích của lực lượng vũ trang ta; chúng mở cuộc càn quét vào 3 thôn, cưỡng ép đồng bào về khu tập trung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đấu tranh chống địch quyết liệt. Do địch quá mạnh nên chúng đã dồn được hầu hết đồng bào Sơn Hải, Vĩnh Trường, Từ Thiện về khu tập trung Đông Ba, chỉ còn một số ít gia đình trốn ở lại và một số thanh niên trẻ khỏe trốn vào chiến khu tham gia lực lượng vũ trang của tỉnh và huyện.

Mặc dù bị địch dồn vào khu tập trung, Chi bộ Đảng xã Dinh Hải lúc bấy giờ vẫn chỉ đạo lực lượng dân quân, du kích của xã kiên trì bám đất, giữ làng, mở rộng địa bàn hoạt động, tiếp tục móc nối với nhân dân ở khu tập trung xây dựng lực lượng bên trong lòng địch. Nhờ vậy, đầu năm 1970 đã cung cấp tình hình, giúp lực lượng vũ trang của tỉnh tiến sâu vào khu tập trung Đông Ba diệt đoàn Bình định gồm 19 tên, đến tháng 7-1970 tiếp tục đột nhập vào khu tập trung rãi truyền đơn, bắt 01 tên tự vệ, thu 1 súng, giết 1 tên phụ tá an ninh ấp.

Cũng trong thời gian này, Chi bộ Đảng lãnh đạo nhiều gia đình ở lại ở lại địa phương, tiếp tục tăng gia sản xuất, phối hợp với nhân dân trong khu tập trung dùng thuyền tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cán bộ ở CK35.

Sau khi Hiệp định Pa- Ri được ký kết, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, cơ sở bên trong đã lãnh đạo nhân dân khu tập trung Đông Ba đấu tranh đòi trở về làng cũ. Kết quả địch nhượng bộ nhưng với điều kiện phải lập hội tề, phòng vệ dân sự. Đồng bào không đồng ý và có 25 hộ bất chấp sự khống chế của địch bỏ về làng cũ. Cuộc đấu tranh giữa đồng bào 3 thôn Sơn Hải, Vĩnh Trường, Từ Thiện tại khu tập trung Đông Ba vẫn diễn ra quyết liệt. Trước sự đấu tranh dai dẳng, bền bỉ và mạnh mẽ của nhân dân, năm 1974 cuộc đấu tranh của nhân dân đã giành được thắng lợi. Sau khi trở về làng cũ, xã Phước Dinh đã nhanh chóng củng cố Chi bộ Đảng, các tổ chức cách mạng. Từ đó phong trào cách mạng đã lan tỏa mạnh mẽ khắp các thôn, ấp trong tỉnh.

Mùa xuân năm 1975, quân và dân xã Phước Dinh đã tập trung lực lượng tiến về phía trước đánh địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 6-4-1975, quân và dân trong xã đã vùng lên, giải tán hết bọn tề, cướp vũ khí phòng vệ dân sự, giải phóng quê hương. Ngày 16-4-1975, tỉnh Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng. Sư đoàn 23-tàn quân ngụy tháo chạy vào mũi Dinh đã bị quân và dân Phước Dinh phối hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh truy đuổi, bắt sống hơn 250 tên địch, thu nhiều vũ khí, giao cho chính quyền cách mạng.

Với những thành tích trong 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ngày 20-12-1994, nhân dân và cán bộ xã Phước Dinh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.