Cần làm rõ vị trí phong quân hàm cấp tướng

Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (sửa đổi).

Có nên không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng?

Góp ý vào dự thảo Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi), đa số ý kiến thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự án Luật, tuy nhiên có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm các nội dung còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để bảo đảm tính khả thi, như: cụ thể hóa điều kiện xét thăng quân hàm đặc biệt là đối với cấp tướng; thời hạn xét phong, thăng quân hàm cấp tướng; quy định cụ thể hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc...

Cụ thể, về thời hạn xét phong, thăng quân hàm cấp tướng, dự thảo Luật bổ sung thời hạn xét thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng là 4 năm; không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng, vì theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, sĩ quan cấp tướng là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cán bộ Quân đội, được đào tạo công phu, đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và nhiệm vụ trọng yếu của Quân đội, nếu quy định cứng về thời hạn thì độ tuổi cấp tướng sẽ rất cao, khó cho việc quy hoạch nguồn cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược và việc bố trí sử dụng cán bộ khi có nhu cầu giao nhiệm vụ cao hơn.

 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh giải trình tại Phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa, Luật hiện hành không quy định thời hạn xét phong, thăng quân hàm cấp tướng nên bộc lộ nhiều bất cập. Dẫn chứng Thông báo số 398-TB/TW ngày 29/11/2010 của Bộ Chính trị về quy định thời hạn thăng, xét thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang đã nêu: “Thời gian thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng và thời gian thăng quân hàm trong mỗi cấp Tướng tối thiểu là 04 năm, trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định”, ông Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh: Đây là một chủ trương đúng đắn vì việc quy hoạch phát triển cán bộ có nhu cầu cấp tướng phải có quá trình, được xem xét từ sĩ quan cấp tá để bồi dưỡng, đào tạo thử thách; nếu có đủ đức, tài và thành tích thì thực hiện thăng vượt cấp hoặc thăng quân hàm trước thời hạn để tạo nguồn, tránh lạm dụng.

Xung quanh việc không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Vẫn cần giữ thời hạn bổ nhiệm cấp tướng tuy nhiên thời hạn có thể ngắn lại từ 4 năm xuống còn 3 năm. Đồng thời, phải có điều kiện “mở” như: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xứng đáng với tiêu chí thì được bổ nhiệm vượt cấp, phong quân hàm trước thời hạn hoặc những trường hợp bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn đòi hỏi phải có quân hàm tương xứng như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần quy định rõ ràng trong luật.

Xem xét việc phong cấp tướng tại các doanh nghiệp

Dự thảo cũng quy định một số chức vụ cấp phó có trần quân hàm Thiếu tướng bằng cấp trưởng như ở Quân đoàn, Binh chủng; Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tập đoàn Viễn thông Quân đội; trần quân hàm của Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng bằng trần quân hàm của Chủ nhiệm Chính trị; trần quân hàm của Phó Tham mưu trưởng Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng bằng trần quân hàm của Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng.

Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Đây là chủ trương đúng để bảo đảm thứ bậc trong lãnh đạo, chỉ huy; vừa đảm bảo cơ cấu đội ngũ sỹ quan cấp tướng. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: Khi đội ngũ cấp trưởng lại có hàm bằng cấp phó?. “Làm gì có chế độ đồng Bộ trưởng, đồng Tổng cục trưởng?”, Chủ tịch hỏi. Chủ tịch đề nghị Bộ Quốc phòng giải thích cho Quốc hội “thông” được nội dung này.

Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề xuất: Nên chăng trong Luật này quy định ở mỗi cấp lãnh đạo có đến 3-4 cấp quân hàm kể cả cấp trưởng và cấp phó.

Một số ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật quy định một số chức vụ có trần quân hàm cấp tướng còn chưa đáp ứng được yêu cầu trên như: cùng nhóm chức vụ cơ bản nhưng có trần quân hàm khác nhau, có chức vụ Đại tá, có chức vụ Thiếu tướng, cùng chức danh Cục trưởng nhưng có Cục trung tướng, có Cục thiếu tướng, theo đó gây nên những bất cập giữa cấp Cục và Tổng cục, có Cục trưởng trần quân hàm bằng Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy quân khu, quân chủng và cao hơn Tổng cục phó; trần quân hàm của Cục trưởng và Chính ủy cục chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguyên tắc người chỉ huy và chính ủy có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất của đơn vị theo Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, cần phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng (đối với cơ quan phải có vị trí tham mưu chiến lược và chỉ đạo toàn quân, đối với đơn vị phải là lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược…)...Theo đó, cần xem xét một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thì không quy định có nhu cầu cấp Tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công; mặt khác cần phải bảo đảm nguyên tắc cấp trên phải cao hơn cấp dưới, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó, chức vụ tương đương thì có quân hàm tương đương, đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác để tránh những quy định không phù hợp, gây tâm lý so sánh, thắc mắc không đồng thuận ngay trong lực lượng.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam