Học sinh trường Phổ thông DTNT Pi-năng Tắc: Xây dựng “Vườn rau của em”

(NTO) Chúng tôi tới thăm trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Pi-năng Tắc, huyện Bác Ái thì bất ngờ bắt gặp vườn rau cải xanh mướt vừa mới nhú lá sau một vụ thu hoạch trong khuôn viên trường, đó chính là vườn rau của các học sinh nhà trường.

Năm học 2013-2014, Trường PTDTNT Pi-năng Tắc có 328 học sinh theo học, trong đó có 115 học sinh khối THPT. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước với mức tiền ăn mỗi ngày 18.000 đồng/em, nhà trường đã tổ chức cho các em trồng các loại rau xanh và cây ăn quả để cải thiện cho bữa ăn hàng ngày.

Các em học sinh chăm sóc vườn đu đủ.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã cho triển khai thí điểm 4 lớp gồm các em học sinh khối 10 và 11 thực hiện mô hình “Vườn rau của em”. Với diện tích gần 200 m2, những luống rau cải đã được chính các em gieo trồng, chăm sóc và quản lý. Khi tới vụ thu hoạch, các em tự thu hoạch, cân khối lượng và nộp vào bếp ăn khu nội trú. Lúc này, nhà trường đứng ra thu mua rau bằng với giá thị trường, các em xây dựng quỹ lớp, quỹ đoàn. Ngoài trồng rau, một vài khoảng đất trống trong khuôn viên trường còn được các em tận dụng để trồng chuối, cà chua và đu đủ, số lượng lên tới gần 100 cây.

Hằng ngày, ngoài giờ học, các em tự giác phân công nhau làm cỏ, vun đất và tưới nước cho từng luống rau. Em Katơ Thị Hiệp, học sinh lớp 11 A1 cho biết: “Việc thi đua trồng và chăm sóc rau của các lớp tạo không khí thi đua sôi nổi. Nhờ tham gia mô hình “Vườn rau của em” mà quỹ lớp của chúng em được bổ sung một khoản đáng kể. Số tiền đó được tập thể lớp sử dụng vào những việc như thăm hỏi gia đình các bạn trong lớp khi gặp khó khăn, hoạn nạn, mua những món quà ý nghĩa để tri ân các thầy cô giáo…

Tính riêng 3 tháng đầu năm nay, lượng rau cải nộp vào khu nội trú là hơn 100 kg, được nhà trường thu mua với mức giá là 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi tiền giống, số lãi hơn 800 nghìn đồng được chia đều cho 4 lớp tham gia. Thầy Đinh Văn Tồn, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Cái được lớn nhất từ mô hình “Vườn rau của em” là đã khơi dậy tính tự lập cho các em, giúp các em có thêm kỹ năng sống, tính kỷ luật trong lao động, tạo môi trường thân thiện và góp phần không nhỏ vào việc duy trì sỹ số.