Ngành y tế: Vì niềm tin và sức khỏe nhân dân

(NTO) Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, ngành Y tế tỉnh nhà không ngừng nỗ lực thực hiện mọi giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Xây dựng đội ngũ y tế “vừa hồng, vừa chuyên”

Một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu của ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là tập trung thực hiện tốt các chế độ, chính sách có liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.

Mổ nội soi điều trị bướu giáp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Văn Miên

Thực hiện Đề án “Đào tạo và hỗ trợ kinh phí cho các thí sinh trúng tuyển Đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng giai đoạn 2009 – 2020”, từ năm 2011 đến đầu năm 2014, toàn ngành đã cử đào tạo dài hạn 14 bác sĩ, 14 dược sĩ, 36 cử nhân, 28 bác sĩ chuyên khoa I, 3 bác sĩ chuyên khoa II, 7 thạc sĩ Y khoa, 2 dược sĩ chuyên khoa I; đào tạo theo địa chỉ sử dụng 32 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học. Ngoài ra, ngành còn tổ chức cho hàng trăm lượt nhân viên y tế cơ sở, điều duỡng, y tá… tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn nâng cao tay nghề, chuyên môn. Đến nay, toàn ngành có trên 2.480 công chức, viên chức, trong đó có gần 2.000 cán bộ chuyên môn y tế. Đội ngũ bác sĩ có 376 người, đạt 6,4 bác sĩ/10.000 dân, tăng 0,2 bác sĩ/10.000 dân so với năm 2012; dược sĩ đại học có 16 người, đạt 0,27 dược sĩ/10.000 dân; 44,6% xã, phường có bác sĩ làm việc, tăng 7,4% so với năm 2012.

Không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn, Sở Y tế còn đặc biệt chú trọng bồi dưỡng y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. bằng việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử ngành Y”. Đối với các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, Sở Y tế chỉ đạo xây dựng các đường dây nóng, phòng tiếp công dân nhằm tiếp nhận, kịp thời giải quyết phản ánh từ phía bệnh nhân và người nhà, không để ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Với những hoạt động thiết thực đã góp phần tích cực nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân. Phản ánh hay khiếu nại từ phía người dân cũng giảm đáng kể.

Ứng dụng tiến bộ KH-KT vào chuyên môn

Không chỉ quan tâm đến yếu tố “con người”, từ các nguồn vốn của trung ương và ngân sách địa phương, ngành đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế từ tuyến tỉnh đến trạm y tế các xã, phường. Trong đó, một số công trình y tế có quy mô lớn phải kể đến như: Bệnh viện lao và bệnh phổi với quy mô 70 giường bệnh; Bệnh viện huyện Ninh Hải với quy mô 50 giường bệnh, Trạm y tế Mỹ Đông… Với mạng lưới y tế đồng đều, rộng khắp đã đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của người dân.

 
Trạm Y tế xã Nhơn Sơn cho trẻ uống Vitamin A. Ảnh: Văn Miên

Đặc biệt, năm 2012, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh có quy mô 550 giường bệnh, 29 khoa, phòng khang trang, hiện đại được đưa vào sử dung đã góp phần tích cực nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh, tạo niền tin, phấn khởi cho người dân tỉnh nhà. Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Có thể nói, việc đầu tư xây mới, đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào sử dụng được xem bước ngoặt, điểm nhấn đặc biệt quan trọng tạo đòn bẩy, điều kiện thuận lợi để thu hút sự quan tâm, hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến trên trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tỉnh nhà”. Minh chứng cho điều này, năm 2013, Bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt cho phép thực hiện 44 kỹ thuật của bệnh viện tuyến Trung ương; hiện đang tiếp tục xây dựng Đề án Bệnh viện vệ tinh tại 3 khoa: Ngoại chấn thương, Sản khoa và Nhi khoa, do các bệnh viện: Chấn thương Chỉnh hình, Từ Dũ và Nhi Đồng II tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ về chuyên môn. Ngoài ra, bệnh viện còn được các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh chuyển giao nhiều kỹ thuật cao trong khám, điều trị bệnh như: Tán sỏi thận ngoài cơ thể, phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo, Ứng dụng nội soi điều trị một số bệnh lý về tiêu hoá như: xuất huyết tiêu hóa trên, polyp ống tiêu hoá, giun chui ống mật, thắt tĩnh mạch thực quản dãn qua nội soi… Năm 2013, tỉnh cũng đã thành lập và đưa Bệnh viện Y Dược cổ truyền đi vào hoạt động. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang-thiết bị, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tận tụy của đội ngũ nhân viên, y bác sỹ, Bệnh viện đã thu hút được nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, nhân dân tin tưởng.

Với những giải pháp đồng bộ, nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã mang lại kết quả tích cực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân (không kể trạm y tế các xã, phường) đạt 23,7% giường/vạn dân, tăng 5,7giường/vạn dân so với năm 2010. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2013, có tổng số 175.761 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, tăng 4,8% so cùng kỳ; 34.797 bệnh nhân điều trị nội trú, tăng 3,5% so cùng kỳ; công suất sử dụng giường bệnh 143,2%. Chuyển viện nội - ngoại trú 4.221 ca, chiếm 2,4% tổng số lần khám bệnh, giảm 1%. Riêng chuyển viện do các bệnh lý chấn thương đã giảm 70%. Các chỉ tiêu đầu ra đều giảm: tỷ số chết mẹ 24,3/100.000 mẹ; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi 4,68/1.000 bé; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi 5,36/1.000 bé…

“Nâng hạng” các cơ sở khám, chữa bệnh

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới, bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở y tế cho biết thêm: “Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4858/ QĐ-BYT về việc ban hành thí điểm bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, với 83 tiêu chí, chia làm 5 cấp độ chất lượng. Mục tiêu nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các bệnh viện tiến hành các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cao nhất có thể cho người bệnh, người dân và nhân viên y tế. Mục tiêu của ngành trong năm 2014 đó là phấn đấu “nâng hạng” Bệnh viện Đa khoa tỉnh có chất lượng đạt loại khá, đạt mức 3 trong 5 mức đánh giá; các bệnh viện tuyến huyện do điều kiện còn khó khăn về nguồn lực nên mục tiêu đạt mức 2, mức trung bình”.

Thực hiện Quyết định 4858 của Bộ y tế, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã triển khai và chỉ đạo các bệnh viện thành lập tổ quản lý chất lượng bệnh viện; xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện dựa trên các tiêu chí phấn đấu. Để đạt được các mục tiêu này, tất cả các bệnh viện phải nỗ lực phấn đấu cải tiến đồng bộ mọi hoạt động trong khám chữa bệnh như: rút ngắn thời gian chờ đợi, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cấp cơ sở vật chất, hạn chế tình trạng nằm ghép trong điều trị nội trú… tạo sự hài lòng đối với người bệnh. Ngành sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bệnh viên Đa khoa tỉnh. Ngoài 44 kỹ thuật của tuyến Trung ương được Bộ Y tế phê duyệt, cuối năm nay, Sở tiếp tục trình lên Bộ Y tế cho phép bệnh viện được thực hiện thêm một số kỹ thuật cao. Đối với các bệnh viên tuyến dưới sẽ giao cho bệnh viên tuyến tỉnh tiếp tục thực hiện đào tạo kỹ thuật, thực hiện tốt Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viên tuyến trên về hỗ trợ các tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.

Với sự quyết tâm và trách nhiệm cao, tin rằng, ngành Y tế sẽ đạt được những mục tiêu đề ra, ngày càng củng cố niềm tin, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân tỉnh nhà.