Một số kinh nghiệm ôn thi hiệu quả

(NTO) Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều HS tỏ ra lúng túng và chưa có phương pháp ôn thi sao cho đạt hiệu quả nhất. Xin chia sẻ một số kinh nghiệm ôn thi như sau:

- Tăng cường khả năng tự học: Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức ở trên lớp, mỗi HS cần chủ động tự ôn tập và rèn luyện bổ sung thêm kiến thức ở nhà, HS có thể đưa ra các phương pháp ôn tập ở nhà như: Ôn lại kiến thức trọng tâm của bài học, làm các bài tập về nhà mà các thầy, cô giáo giao cho, bên cạnh đó có thể tham khảo và làm thêm các dạng bài tập khác nhau ở trên mạng Internet, sách bài tập,… để tích lũy kiến thức đồng thời có kỹ năng giải đề tốt. Nếu gặp những thắc mắc hoặc bài tập khó chúng ta có thể lên lớp để hỏi thêm thầy, cô giáo và bạn bè. Có như thế, việc ôn thi mới đạt hiệu quả cao.

- Ôn toàn diện, tránh học tủ học vẹt: Theo hướng đổi mới trong thi - kiểm tra, hiện nay, đề thi thường đòi hỏi khả năng tái hiện, vận dụng và sáng tạo của thí sinh, trong đó, một số môn Khoa học xã hội thường có xu hướng ra đề mở. Chính vì thế, mỗi HS nên có cách ôn thi phù hợp, không nên học và làm bài một cách máy móc, mà cần vận dụng linh hoạt theo yêu cầu của đề trong quá trình làm bài. Bên cạnh đó, HS cần tránh học tủ, học vẹt. Nhiều em thấy chương trình dài nên ngại khó đã bỏ qua các bài mà mình không thích, thay vào đó lại chỉ học tủ, học vẹt hoặc học theo kiểu dự đoán đề, cầu may,... Đây là một cách học chủ quan, sai lầm dễ khiến HS mất điểm, thậm chí không làm được bài trong kỳ thi.

- Cần lựa chọn sách ôn tập, sách tham khảo chọn lọc và phù hợp: Để có kiến thức nền tảng và trọng tâm, sách giáo khoa được xem là tài liệu tốt nhất cho việc ôn tập. Bởi lẽ, nội dung đề thi tốt nghiệp hằng năm đều ra trong chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc học theo sách giáo khoa cũng không phải là chuyện dễ vì mỗi môn học luôn có nhiều nội dung, nhiều kiến thức khác nhau, nếu người học không có kỹ năng phân loại và tổng hợp kiến thức thì sẽ bị lẫn lộn hoặc đánh mất kiến thức,… Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sách tham khảo cho việc ôn thi tốt nghiệp. Vì vậy, HS cần dựa vào lực học của bản thân, uy tín của người biên soạn sách hoặc của nhà xuất bản để lựa chọn và sử dụng hiệu quả.

- Đề ra kế hoạch ôn thi phù hợp: Mặc dù năm nay thi tốt nghiệp THPT có 4 môn (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn), nhưng việc sắp xếp thời gian và kế hoạch ôn thi hợp lý cũng rất cần thiết. Khi không có kế hoạch ôn tập, HS dễ bị rối kiến thức, lẫn lộn kiến thức giữa các phần, chương của môn học,… Do vậy, người học nên có thời gian biểu và kế hoạch ôn thi cụ thể cho từng môn học, không nên học liên tục, mà cần phải có thời gian nghỉ giữa các môn. Trong quá trình học, cần tránh tình trạng phần kiến thức này học quá nhiều, còn phần khác lại ít chú trọng hoặc học qua loa. Trước khi đi thi, HS phải hệ thống hóa lại kiến thức đã học, phần nào ôn chưa hiệu quả thì nhanh chóng đưa ra cách khắc phục.

- Đa dạng hóa các hình thức ôn tập: Tùy vào từng hoàn cảnh, điều kiện cũng như năng lực của bản thân mà người học có thể chọn nhiều cách để ôn thi hiệu quả như: Ôn thi tại nhà (có hướng dẫn của giáo viên hoặc người có kinh ngiệm), ôn thi tại trường, ôn thi trực tuyến, tự ôn thi,… trong những hình thức trên, ôn thi trực tuyến được xem là hình thức ôn thi bổ sung, hiệu quả và dễ thu hút sự tham gia của HS. Ngoài ra, người học nên tham khảo những đề thi và đáp án chính thức của Bộ GD & ĐT cho những kỳ thi ở các năm trước để có thể tham khảo về đề thi, cách giải đề,… đồng thời có định hướng kiến thức rõ ràng hơn trong việc ôn tập.