Nhìn lại 9 tháng năm 2013: Tăng trưởng trong khó khăn

(NTO) Từ đầu năm đến nay, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có bước phát triển đáng ghi nhận. Có thể nói đây là kết quả từ sự bám sát và cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; các chủ trương về tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp…của UBND tỉnh và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, ước tính 9 tháng tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó riêng quý III tăng 9,2%, cao hơn so với chỉ số tăng 8,6 % của 6 tháng đầu năm nay. Trong số này, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 3,7% (riêng thủy sản tăng 5,3%), khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 9,2% và khu vực dịch vụ tăng 13,4%. Nhìn chung, trong 9 tháng cả 3 khu vực đều tăng trưởng dương, tuy có thấp so với cùng kỳ năm 2012 (GDP 9 tháng năm 2012 tăng 9,1%). Mặc dù tốc độ tăng trưởng chung chưa đạt kế hoạch đề ra (12~13%), nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đất nước thì đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ.

Ngư dân huyện Thuận Nam chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi. Ảnh: Thanh Long

Đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, đầu tiên phải kể đến ngành nông nghiệp. Theo thống kê, 9 tháng qua tổng diện tích cây hàng năm thực hiện 53.567 ha, trong đó diện tích lúa 2 vụ đông xuân và hè thu đạt 28.648 ha. Diện tích bắp trên 8.700 ha, tăng 8,5% so cùng kỳ. Theo đó, nông dân toàn tỉnh thu hoạch lúa đạt 171.228 tấn, vượt 13,5% so kế hoạch; sản lượng bắp 35.568 tấn, tăng 29% so cùng kỳ.

Về chăn nuôi tiếp tục duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm. Riêng đàn cừu có 88.560 con, tăng 6,3%. Đáng nói là sản lượng bán giết thịt trâu, bò đạt 5.938 tấn, tăng 3,7% so cùng kỳ, cùng với giá cả khá cao nên đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi. Riêng loại hình trang trại chăn nuôi heo có hướng phát triển, hiện toàn tỉnh có 14 trang trại, từng bước góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.

Sản lượng thủy sản 9 tháng ước đạt 65.796 tấn, tuy có tăng cao trong quý III (riêng sản lượng khai thác hải sản biển trong quý đạt 31.590 tấn tăng 32,5%) nhưng so với cùng kỳ năm trước giảm 4,8%, trong đó sản lượng khai thác đạt 55.978 tấn, giảm 8,3%; sản lượng nuôi trồng đạt 9.819 tấn, tăng 22,1%. Nhìn chung, nuôi trồng thủy sản phát triển khá thuận lợi, dịch bệnh tuy có xảy ra nhưng không lan trên diện rộng và phần lớn các diện tích bị dịch bệnh tôm được xử lý kịp thời nên sản lượng thu hoạch đạt khá. Nuôi trồng các loại thủy sản khác tương đối ổn định theo hướng đa canh, đa con kết hợp để mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Khai thác biển đang phát triển theo hướng tăng năng lực hoạt động; tổng số tàu, thuyền có động cơ hiện có trên 2.711 chiếc, tăng 0,6% với công suất 228.146 CV, tăng 13.6%; bình quân năng lực tàu thuyền đánh bắt đạt 84,15CV/chiếc.

Khai thác và chế biến đá Granite xuất khẩu tại Công ty TNHH TM&SX Tân Sơn Hoa Cương.
Ảnh: Văn Miên
9 tháng năm 2013, vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện (theo giá thực tế) đạt 4.110 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước 1.363 tỷ đồng; khu vực ngoài Nhà nước 2.663 tỷ đồng, chiếm 64,79% tổng vốn và tăng 56%; trong đó, đầu tư dân cư 1.340 tỷ đồng, tăng 37,15%; vốn các thành phần kinh tế 1.323 tỷ đồng, tăng 81,23%...

Về sản xuất công nghiệp, trong bối cảnh ngành công nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của chi phí, vốn vay cao, giá nguyên liệu tăng, sản xuất phụ thuộc thời vụ, thị trường xuất khẩu biến động,... nên hoạt động ngành công nghiệp của tỉnh tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm chủ yếu có tỷ trọng giá trị gia tăng cao nhưng giảm tăng trưởng (bột mỳ tinh, xi măng, nhân điều, muối biển) hoặc tăng thấp so cùng kỳ (đường RS, may mặc); đồng thời còn nhiều sản phẩm đã đưa vào sản xuất nhưng chưa phát huy hết năng lực đầu tư dự kiến (muối tinh, đá ốp lát, xi măng, bia lon,...). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 2,86% (cùng kỳ năm trước tăng 9,1%); trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,12%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,31%, ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện, tăng 3,66%... Tuy nhiên, điều cũng đáng quan tâm là mặc dù chỉ số sản xuất tăng thấp, chỉ số tiêu thụ giảm, chỉ số tồn kho tăng nhưng chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp đến tháng 9/2013 vẫn tăng 12,3% so với cùng kỳ 2012. Trong đó, thu hút lao động tập trung chủ yếu vào ngành chế biến thực phẩm với mức tăng 23,4%. Đây là xu hướng tích cực cho ngành công nghiệp trong việc mở rộng và nâng cao sản lượng sản xuất.

Hoạt động dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 9 tháng đạt trên 8.022 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển cò phải kể đến vai trò ”bà đở” của ngành ngân hàng. Trong 9 tháng qua, toàn ngành đã huy động vốn tại địa phương đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 4,42% so với cuối năm, tăng 12,98% so với cùng kỳ năm 2012. Theo đó, tổng doanh số cho vay nền kinh tế ước đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 44,17% so với cùng kỳ. Nhìn chung hoạt động tiền tệ tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục an toàn, ổn định và tăng trưởng. Các chủ trương, chính sách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và của Ngành liên quan đến hoạt động tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã được quán triệt đầy đủ, triển khai kịp thời đến các TCTD trên địa bàn và đã phát huy được hiệu quả; tăng trưởng tín dụng đạt khá (+11,8%); tín dụng phục vụ an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Các TCTD trên địa bàn tiếp tục tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường như cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, miễn giảm lãi vay, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ...; chấp hành nghiêm túc các quy định về lãi suất, hoạt động ngoại hối, nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ ngân hàng và đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ATM trên địa bàn...

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội trong 9 tháng cũng có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công tác chăm lo cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn; qui mô giáo dục được duy trì và chất lượng giáo dục được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe được bảo đảm, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tiến bộ; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…Những kết quả đạt được nêu trên sẽ là cơ sở để tỉnh ta nổ lực hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 nói chung, đặc biệt từ nay đến cuối năm nói riêng.